Phạm Đình Trọng
Tôi biết bác Lê Doãn Hoạt từ năm 1981, khi nhận nhiệm vụ thường trú tại Cơ quan Đại diện báo QĐND ở các tỉnh phía Nam. Bác Hoạt thuộc thế hệ đàn anh về tuổi tác và là “già làng” trong lĩnh vực nghề nghiệp. Trước khi vào Ban Đại diện, bác là phóng viên phòng Thời sự Quốc tế báo QĐND. Bác có vốn Pháp ngữ khá, từng làm nhiệm vụ phiên dịch và ghi âm tù binh Âu Phi trong chiến tranh ở Mặt trận Trị Thiên để phát trên đài Tiếng nói VN. Điều này rất có ích trong nhiệm vụ PV phòng Thời sự Quốc tế cũng như công việc “đặc thù” ở Ban Đại diện sau này.
Vào Nam năm 1980, bác Lê Doãn Hoạt cùng với bác Nguyễn Triệu Hùng, là kíp trưởng kíp trực Thư kí tòa soạn (TKTS). Nhiệm vụ chính của TKTS Ban Đại diện, gọi đơn giản là “thả dấu”. Những trang chữ không dấu “huyền, sắc-hỏi, ngã, nặng” dài lê thê. Trợ lí biên tâp xóa kí hiệu tê lếch rồi đánh dấu lại. Động tác đơn điệu và tẻ nhạt, sơ ý một chút là mắc lỗi, có khi bị kỉ luật rất nặng. Điều này khiến đầu óc luôn căng như sợi dây đàn. Ngày ấy công nghệ còn lạc hậu lắm. Đầu phía Nam đặt máy tê lếch và máy fax, đêm đêm đón nhận bài từ Hà Nội. Máy trục trặc, đường chuyền trục trặc, điện phập phù … , khiến cho con người mỏi mệt. Trợ lí dò từng chữ, từng câu, biên tập “thả dấu” xong, kíp trưởng soát lại thật kĩ rồi đưa qua nhà in “vỗ bông”, chuyển bản bông cho TKTS kiểm tra lại rồi mới dàn trang v.v…
Nói thì đơn giản nhưng làm mới vất vả làm sao. Thức trắng đêm bám máy là chuyện bình thường với TKTS báo QĐND ở số 63 Lí Tự Trọng, Quận Nhất, Tp HCM. Trưởng ban Vũ Linh hạ lệnh : Bám máy, tới 10 giờ sáng hôm sau mà không thu xong số báo ngày hôm trước, mới nghỉ. Ông Linh là người “nói được làm được”. Ngày thường ông đã có mặt ở cơ quan 24/ 7 (mặc dù nhà ông chỉ cách cơ quan chừng 2 km). Đặc biệt khi có sự cố về điện hoặc đường chuyền bị nghẽn, ông cùng Trưởng bộ phận hành chính Bùi Ngọc Nội và hai kíp trưởng Lê Doãn Hoạt, Nguyễn Triệu Hùng lăn lộn, xoay xở để khai thông. Nhớ lần đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng sang thăm Cu Ba, được Đồng chí Phi-đen Cát xtơ-rô đón tiếp nồng nhiệt. Bài thu đủ nhưng ảnh thì không tài nào thu được. Tấm ảnh đẹp nhất cũng chỉ thấy lờ mờ vừng trán rông của bác Trường Chinh và bộ râu nổi tiếng của ông Phi-đen!
Bác Lê Doãn Hoạt là một cán bộ không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ TKTS mà còn là già làng lo vun đắp, xây dựng cái gốc của một sĩ quan, một cán bộ trong quân đội. Anh PV nào chưa qua nhiệm vụ TKTS, ông tổ chức cho học nghề đàng hoàng, học kĩ nhất là chương “Đặc điểm của TKTS ban Đại diện với kĩ năng “thả dấu”. Ông giảng dậy một cách say sưa, bài bản, lấy dẫn chứng sinh động từ những sai sót “chết người” do biên tập viên gây ra trong một thoáng không tập trung tư tưởng.
“Muốn làm tốt công việc TKTS báo QĐND, trước hết phải là người lính có kỉ luật’- Vị Trung tá già nói với Đại tá, trưởng ban Vũ Linh. Nhân có Thiếu úy trẻ Trần Hoàng vừa tốt nghiệp Trường Quân chính Quân đoàn 4, về Ban Đại diện và nhận nhiệm vụ trợ lí TKTS, bác Hoạt đề xuất tổ chức tập điều lệnh đội ngũ cho cán bộ. Một lớp tập huấn ngắn ngày mở ra. Khu 63 Lí Tự Trọng, Quận Nhất Tp HCM nguyên là Cơ quan Bộ Quốc phòng của chế độ cũ, rộng cả ngàn mét vuông, trải nhựa đàng hoàng, nay dùng để tập điều lệnh. Tiêngs hô “nghiêm-nghỉ, bên phải bên trái quay”… vang lên khiến cho không khí trở nên nghiêm túc, chuẩn mực. Và quả nhiên sau một tuần rèn điều lệnh, nền nếp sinh hoạt, làm việc của cơ quan tiến bộ rõ rệt. Vẫn là những đêm thâu không ngủ nhưng không khí sống động hơn, chất lượng “thả dấu” kĩ càng và an toàn hơn. Kết quả công việc chứng minh quyết sách của Trưởng ban Vũ Linh và trưởng kíp trực Lê Doãn Hoạt là đúng.
***
Ngày 20-10 -2024, ngày kỉ niệm 74 năm báo QĐND ra số đầu tiên (1950-2024), chúng tôi, những sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên Quốc phòng cũ của Ban đại diện đang chuẩn bị đi đón vị PV lão thành Lê Doãn Hoạt về họp mặt thì nhận được tin dữ: Trung tá Lê Doãn Hoạt, người có 96 tuổi đời và 70 năm tuôi Đảng, đã về cõi Vĩnh Hằng lúc 16 giờ ngày 13 tháng 10 năm 2024
Và, thật là “Họa vô đơn chí”: 6 giờ ngày 17 tháng 10 động quan bác Hoạt thì trước đó 3 tiếng đồng hồ, anh Lê Hoài Bắc, con trai trưởng của bác, đã đi trước, chờ cha bên bến Nại Hà!
Tháng 10 Năm 2024
P.Đ.T