Ngày 20 tháng 10 năm 2024, báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 74 năm ngày báo ra số đầu tiên. Đặc san GIÁO DỤC NGÀY NAY đăng lại bài của nhà báo QĐND Trần Thế Tuyển viết về thế hệ đàn anh đồng nghiệp của mình.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: NHỚ NHÀ BÁO TRẦN NGỌC THỊ
Trần Thế Tuyển
Khi ông nhập ngũ thì tôi mới chào đời. Những năm kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Đông Nam bộ, tôi biết ông qua Chương trình phát thanh QĐND và báo Quân giải phóng Miền Nam. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), về báo Quân khu 7, tôi được trực tiếp gặp ông tại Ban Tuyên huấn Bộ Tham mưu Quân khu 7, nơi ông đang công tác.
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày báo QĐND ra số đầu tiên ( 20-10), xin đăng lại bài viết cách đây 5 năm, khi nhà báo Trần Ngọc Thị về với tổ tiên.
MỘT
Khác với cái tên rất phụ nữ Trần Ngọc Thị, ông xuất hiện trước mặt tôi lúc đó là một sĩ quan Quân giải phóng mạnh mẽ và dễ gần. Ông là cộng tác viên “bấm nút” của báo Quân khu 7. Anh Mai Bá Thiện, phụ trách tờ báo và lớp phóng viên trẻ chúng
Vũ Ngọc Xiêm, Xuân Hòa và Trần Thế Tuyển…coi ông như người nhà. Ông chọn toa xe dã chiến lưu động tiếp quản của quân đội chế độ cũ làm nơi làm việc. Đêm đêm, có khi tận sáng, toa xe dã chiến ấy vẫn sáng đèn. Chúng tôi – lớp phóng viên mới vào nghề luôn cảm phục sự làm việc say mê, đầy trách nhiệm của ông. Ngoài việc lo tròn công việc của một cán bộ tuyên huấn thời kỳ đầu thành phố giải phóng, ông còn say sưa viết báo. Chúng tôi cần bài gì, ông đáp ứng ngay, như thể những đề tài ấy có sẵn, ông chỉ việc sắp xếp lại.
Những năm đầu thành phố Sài Gòn giải phóng có bao nhiêu việc phải làm. Sau mỗi chuyến công tác, ông lại cho chúng tôi những bài viết hấp dẫn, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống.
Một lần, nửa đêm ông gọi điện bảo rằng, tình hình biên giới Tây Nam rất “căng”, bọn phản động Pôn Pốt vừa tràn sang giết hại đồng bào ta. Ông gợi ý, báo Quân khu 7 nên cử phóng viên tiếp cận ngay. Quả nhiên, sớm hôm sau, chúng tôi có lệnh lên biên giới.
Khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhà báo Trần Ngọc Thị chuyển về cơ quan Đại diện phía Nam báo Quân đội nhân dân tại TPHCM. Như con ong miệt mài nhả mật, ông say sưa làm việc.
Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng, nguyên Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam báo QĐND nói, không phải ai cũng hiểu hết bác Trần Ngọc Thị. Ông không để lại ấn tượng với mọi người từ bề nổi mà ở bề chìm – sự nhân hậu, đằm thắm, thủy chung. Bây giờ khi có độ lùi thời gian mấy chục năm gần gụi nhà báo Trần Ngọc Thị, tôi mới ngộ hết nhận xét ấy. Từ tấm gương nghề nghiệp Trần Ngọc Thị, tôi vẫn thấy mình đúng, khi nghĩ rằng, thế hệ làm báo trước chúng tôi thật trách nhiệm, vô tư, đức độ và đầy nhiệt huyết.
HAI
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hiếu học trên đất Quỳnh Lưu (Nghệ An), năm 1953, vào tuổi 19, Trần Ngọc Thị tình nguyện nhập ngũ. Cùng thời với những người cầm viết nổi tiếng trong quân đội: Cao Tiến Lê, Xuân Thiều…, Trần Ngọc Thị chọn cho mình lối đi riêng, vừa làm công tác Đảng, công tác chính trị vừa tham gia viết báo. Người ta biết nhiều đến ông ở sự nghĩa tình.
Năm 1988, nhà báo Trần Ngọc Thị nghỉ hưu theo chế độ. Đối với Trần Ngọc Thị thì hưu mà không nghỉ. Người ta vẫn thấy ông say mê với công việc nghĩa tình. Làm Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 3 Sư đoàn 9, không quản tuổi cao, sức yếu, Trần Ngọc Thị lặn lội khắp nơi cùng đồng đội chăm lo gia đình những người bạn chiến đấu đang gặp khó khăn.
Gần đây, bước sang tuổi bát tuần, sức khỏe có phần cạn kiệt, Trần Ngọc Thị vẫn như con ong say mê nhả mật. Biết chúng tôi chuẩn bị xuất bản tập sách về Báo Quân giải phóng Miền Nam, từ giường bệnh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), ông gửi đến chúng tôi bài viết gần 5.000 chữ kể về những kỷ niệm của ông với các phóng viên báo Quân giải phóng trên đất miền Đông gian khổ nhưng ấm áp tình người.
Nhớ lại cách đây không lâu, vào thăm lại chiến trường cũ, chúng tôi đưa ông về thăm Đồn biên phòng Long Khốt (Long An), nơi có ngôi đền thờ liệt sĩ. Ông đứng lặng hồi lâu bên những ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều phần mộ ghi “tên Anh chưa ai biết”.
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc – Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Đọc câu thơ khắc trên chuông trong đền thờ, nước mắt ông chảy xuống đôi gò má đầy ắp dấu ấn thời gian và sự từng trải. Ông dặn chúng tôi, nếu “Trời Phật còn cho phép” (câu này ông thường dùng), năm sau vào miền Nam, ông sẽ cùng chúng tôi sang thăm lại nơi ngã xuống của hàng ngàn đồng đội trên chiến trường nước bạn năm xưa.
BA
Nhưng ước nguyện cuối cùng ấy của ông không bao giờ thực hiện được nữa. Cháu Trần Hồng Ngọc, con trai ông, vừa báo tin ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 25 phút ngày 2-2-2016 (nhằm ngày 24 tháng Chạp Ất Mùi).
Tôi đang có chuyến hành hương về nguồn trên đất miền Đông. Hương rừng miền Đông ngào ngạt. Chiều cuối năm, trong tiết gió heo may, rừng cây lá vàng xào xạc. Khi mùa xuân đang về, dọc những nẻo đường biên giới chúng tôi qua như vẫn còn hơi ấm dấu chân của những người lính, trong đó có dấu chân của nhà báo Quân đội nhân dân Trần Ngọc Thị. Xin thắp nén hương thơm và gửi cả hương rừng miền Đông về phương Bắc kính viếng ông, một người lính Bộ đội Cụ Hồ – một con ong miệt mài nhả mật!
TP Hồ Chí Minh, đêm 25 tháng Chạp Ất Mùi.
Bài 2: BÁC CẢ TRỌNG
Trần Thế Tuyển
Chúng tôi gọi ông là “bác cả”; không chỉ vì ông nhiều tuổi hơn chúng tôi, thuộc lớp đàn anh, mà còn bởi nhiều lẽ. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm báo QĐND ra số đầu tiên xin phép có đôi dòng phác họa chân dung ông- Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng (bút danh Khánh Tường ), nguyên Trưởng Ban Đại diện Thường trực phía Nam báo QĐND.
THẦY GIÁO CỦA NHIỀU THẾ HỆ
Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nơi cạnh dòng sông Đáy thơ mộng tại huyện Ý Yên tỉnh Nam Định, ngay từ nhỏ Phạm Đình Trọng đã ham mê văn chương. Từ sự nghiêm khắc của người cha đến tình thương yêu bao la của người mẹ, con đường học vấn của Phạm Đình Trọng khá hanh thông từ thuở ấu thơ. Cũng như bao nhiêu gia đình thôn quê ngày ấy, cuộc sống lam lũ, cơ cực, nhưng bố mẹ đã chắt chiu, dành dụm cho Phạm Đình Trọng học hành bằng anh, bằng em. Mới lớp 5, ông đã phải xa quê, sang Ninh Bình; lên lớp 8, ông phải ra Cấp 3 Nam Định. Suốt 10 năm “Phổ thông”, ông khá giỏi đều các môn, nhưng dụng công dùi mài là toán-lí-hóa. Hết cấp 3, con đường ông chọn là ngành vật lí, trường ông nhắm tới là Trường Tổng hợp. Tuy nhiên, cái mác “đều các môn” đã hại ông; “tổ chức” đặt ông vào ngành sư phạm, mà lại là “Sư phạm – Văn”. Nhập học rồi, mấy lần ông tính bỏ học hoặc chuyển lớp nhưng rồi chính các thày giáo, với khả năng giảng dậy văn học siêu hạng, đã ghim ông vào ghế “sinh viên –Văn”. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1963, ông ở lại trường học thêm năm thứ 3.
Hè năm 1964. Ông Trọng chưa kịp ra trường thì cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào thời kỳ khốc liệt, nước nhà cần một lượng lớn thanh niên nhập ngũ. Trường ĐHSP Hà Nôi có lẽ là trường Đại học đầu tiên lấy “ông Cử” làm nghĩa vụ quân sự. Thế là, cũng như bao người cùng trang lứa, Phạm Đình Trọng tạm gác bút nghiên lên đường đánh giặc. Trí thức nhập ngũ, ông được mang hàm binh nhì ở Trung đoàn bộ binh 673 thuộc Quân khu Tây Bắc, rồi hàm binh nhất ở Trung đoàn 910 Quân chủng Phòng không – Không quân. Tại sân bay Cát bi (Hải Phòng) ông gặp một sức ép tâm lí đầu tiên: Mấy anh bạn cùng ĐHSP Hà Nội, nhưng ở khoa Trung ngữ, mang hàm trung úy (hơn hẳn một ghệch bạc!). Nhưng rồi đố ai phát hiện ông Trọng…rầu đời. Trái lại ông còn giúp vào công tác tư tường của chi bộ vào năm sau, lúc Nhà nước tuyển khá nhiều sinh viên vào nghĩa vụ quân sự.
…Cuối năm 1967 (ông Trọng mang hàm chuẩn úy), Tổng cục Chính trị điều ông về làm giáo viên trường Thiếu sinh quân mang tên người công nhân anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Tôi có may mắn, khi về công tác tại báo QĐND được trực tiếp làm việc cùng ông, mới hiểu hết tình nghĩa thầy trò “Trường Trỗi ” mà ông là một trong những người thày trẻ nhất. Năm tháng qua đi, lớp lớp thế hệ học sinh trường Trỗi lớn lên, trưởng thành cùng đất nước, quân đội, nhiều anh trở thành tướng lĩnh, có người là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng…khi gặp Thầy Trọng vẫn ” mực thước ” như xưa. Tôi hỏi một vị tướng là học trò cũ của thầy Trọng, vì sao có được tình cảm ấy, vị tướng trận trả lời: ” Bởi nhờ có các thầy cô, chúng tôi mới có ngày hôm nay. Riêng thầy Trọng không chỉ là người thầy, ông còn là người cha, người anh cả thương yêu, dẫn dắt chúng tôi ngay từ khi còn cắp sách đến trường”. Đó là sự thật. Qua thầy Trọng, tôi có dịp quen biết nhiều anh chị, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp làm học trò của thầy. Trần Kiến Quốc (con trai cụ Trần Tử Bình, nguyên Đại sứ VN tại Trung Quốc ) là một người trong số ấy. Anh Trần Kiến Quốc chia sẻ: ” Chúng mình nhớ thầy, biết ơn thầy vì xưa thầy lo lắng, dạy dỗ chúng mình. Nay, tuổi cao, sức khỏe không còn như trước, nhưng thầy vẫn luôn bên cạnh tụi mình. Lo cho người đang sống và cả những người đã đi xa”. Điển hình cho tình nghĩa thày trò trường Nguyễn Văn Trỗi là thời kì trường gặp nạn dịch viêm màng não ở Quế Lâm (Trung Quốc). Cả tháng liền học sinh bị cấm túc trong phòng ngủ. Lúc ấy các thày cô như những bảo mẫu, vất vả vô cùng! Trải qua đại dịch Covid càng thấy tấm lòng của các thày cô trường Trỗi là bao la. Trong dịch Covid-19, gia đình xúm lại giữ vài em nhỏ trong nhà đã khó; đằng này, nơi đồng đất nước người, thày phải giữ chân 40-45 em cấp 2 hoặc cấp 3 trong một phòng ngủ, giường 2 tầng kê sát nhau suốt 24/24 tiếng cả tháng trời thì cực biết chừng nào! Trần Kiến Quốc tặng tôi hai tập sách ” Sinh ra trong khói lửa”; Tập 2, với 1006 trang do NXB Trẻ xuất bản năm 2005 và tập 5 dầy 694 trang xuất bản năm 2020. Đó là hai trong bộ sách đồ sộ, đầy ắp tâm huyết và nghĩa tình của thầy và trò trường Trỗi. Duyên may khi làm tập 2,Trần Kiến Quốc mời tôi viết bài. Tại trang 969, đăng bài của tôi với tựa đề: Cảm nhận về ngôi trường. Tôi có dịp bày tỏ cảm xúc của mình về thầy giáo chủ nhiệm Phạm Đình Trọng
với các học trò cũ của mình. Thầy Trọng có sức hút với các thế hệ học trò không chỉ bởi tầng kiến thức văn hóa mà còn ở lối sống của ông với học trò. Trong giảng dạy nghiêm khắc, mực thước, nhưng đời thường thầy Trọng gần gũi, thân thiết như người ruột thịt trong gia đình học trò. Và, khi cần ông nhập vai là bạn của học trò để có thể chia sẻ, giúp đỡ họ.
Nhà báo Phạm Đình Trọng không chỉ là thầy của các thế hệ học trò, đặc biệt học trò trường Trỗi, mà ông còn là thầy của nhiều thế hệ nhà báo, dù ông chưa bao giờ nhận “chức danh ” ấy. Bằng tác phẩm báo chí của ông, đặc biệt các bài ký ” chân trang ” hoặc các bài bình luận văn chương (văn học cổ), người ta thấy rõ sự uyên thâm kiến thức và dạt dào tính nhân văn của Phạm Đình Trọng. Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy Trọng về việc này. Đó là dịp nhà thơ Trần Anh Thái, lúc đó là Trưởng phòng báo QĐND mời chúng tôi về nhà dùng cơm thân mật. Thực khách có các nhà thơ : Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang… Trà dư, tửu hậu, thầy Trọng phát động mỗi người đọc một bài thơ tâm huyết. Chúng tôi lần lượt trình bày, có người cao hứng “diễn thơ”. Đến lượt ông, người mà chúng tôi hay đùa vui : ” nhà Nho còn sót lại cuối thế kỷ XX của báo QĐND ” đọc một bài thơ chữ Hán mà ông ngẫu hứng, viết ra. Nghe xong, các nhà thơ quân đội đều ngỡ ngàng vì quen biết nhau đã lâu mà chưa ai nghe ông làm thơ, lại là thơ chữ Hán! Ai nấy tấm tắc về sự uyên thâm, sâu sắc của nhà báo, thầy giáo Phạm Đình Trọng. Lần khác, ấy là dịp ông về làng quê nghèo khó của tôi nơi miền chân sóng Hải Hậu dự lễ mừng thọ cha chúng tôi vào tuổi 80. Xuất khẩu thành thơ, nhà báo Phạm Đình Trọng đã đọc bài thơ chữ Hán, thể Đường luật, tặng cha tôi. Ông giải nghĩa để mọi người cùng nghe. Mấy cụ đồ Nho nổi tiếng ở quê tôi nghe xong đều gật gù, lấy làm tâm đắc, thán phục…
NGƯỜI LAN TỎA VỐN CỔ TRUYỀN THỐNG
Nói nhà báo Phạm Đình Trọng là người tiên phong lan tỏa văn hóa cổ, trong đó có quan họ với đất phương Nam cũng chẳng quá lời. Tôi là một trong những người trong cuộc hiểu rõ điều ấy. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, văn hóa vùng miền trên đất nước ta hòa nhập. Người miền Bắc nghe cải lương, bài chòi, dân ca Nam Bộ đã quen, nhưng bà con miền Nam nghe quan họ, chèo, chầu văn v.v…thực sự chưa nhiều. Nhà báo Phạm Đình Trọng, lúc ấy là Trưởng Ban Đại diện Thường trực phía Nam báo QĐND tâm sự với chúng tôi: “Nên tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phía Nam tiếp cận với văn hóa dân gian phía Bắc”. Nói đi đôi với làm, ngoài việc chỉ huy công việc của Ban Đại diện, mỗi khi có dịp ông lại tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ lan tỏa văn hóa cổ truyền ở phía Nam. Tôi nhớ có dịp, trụ sở đóng quân của Ban Đại diện tại số 63 Lý Tự Trọng TP HCM nhộn nhịp khách vào ra, trong đó có các đoàn chèo của Trung ương, các tỉnh và đặc biệt đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc, sau là Đoàn quan họ Bắc Ninh. Trưởng ban Phạm Đình Trọng không những chỉ đạo, các phóng viên tác nghiệp mà còn kết nối với các đơn vị, địa phương để các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ đến tìm hiểu và biểu diễn vốn cổ văn hóa dân tộc. Bản thân ông cũng say mê nghiên cứu. Tôi nhớ có lần, nhân dịp ra Hà Nội họp Đảng ủy, ông rủ tôi tranh thủ lên Bắc Ninh, đến tận làng Diềm, được coi là cái nôi quan họ cổ, để nghiên cứu về quan họ. Ông tâm đắc đúc kết về cái duyên quan họ và kỹ thuật ” vang rền nền nẩy ” mà người hát quan họ nào cũng biết. Say mê quan họ, vào Sài Gòn, có đêm trực, rảnh rỗi, qua điện thoại, ông nhờ một nghệ sỹ quan họ danh tiếng ” dạy” hát. Nhờ thế, sau này có dịp vui, không từ chối thịnh tình của bè bạn, thể theo đề nghị của anh em, ông tự tin trình bày các bài quan họ cổ như “Ăn ở trong rừng”, “Tuấn Khanh”, ” Thân lươn bao quản lấm đầu”…thật ” tròn vành, rõ tiếng”.
SỨC BỀN NGỌN LỬA
Nghỉ hưu hơn 20 năm nay, bác cả-nhà báo-thầy giáo Phạm Đình Trọng như ngọn lửa vẫn bùng cháy. Ông tích cực tham gia công tác xã hội, viết báo, làm sách ghi lại những kỷ niệm đẹp của người lính làm báo. Những tập sách đậm đặc chất liệu sử và giàu tính nhân văn do ông tổ chức hoặc trực tiếp làm chủ biên lần lượt xuất hiện. Đó là các cuốn : Nghề báo, nợ đời, tình người ; Sinh ra trong khói lửa; Trần Công Mân, nhân cách và tài năng; Trung tướng Lê Nam Phong, cuộc đời và chiến trận…Đặc biệt, ông còn tham gia giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông và làm công tác xã hội chia sẻ với những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh…
Sự trải nghiệm hơn nửa thế kỷ làm báo chiến sĩ và vốn sống phong phú, kiến thức uyên thâm như mảnh đất màu mỡ để ông cho ra đời các tác phẩm như cây giữa mùa xuân. Chúng tôi, lớp học trò, đàn em trông đợi ở ông những tác phẩm để đời nói về đất và người một thời ông trải nghiệm.
Có chuyện vui xin kể để kết thúc “phác họa ” chân dung bác cả của chúng tôi. Ấy là chuyện khổ vì trùng tên. Chuyện rằng: Đầu năm 1982, đang làm phóng viên thường trú của báo QĐND tại các tỉnh phía Nam ông Trọng nhận được một bức thư, chữ đánh bằng máy nhưng kí bằng bút mực, của một người trùng tên. Ông này xin ông Trọng báo Quân đội nhường cho cái tên “Phạm Đình Trọng”. Chẳng một chút nghĩ ngợi, ông trả lời “đồng ý”. Từ đó ông lấy bút danh là Khánh Tường. Nhưng rồi anh em ngoài Tòa soàn-Hà Nội vì yêu mến ông sao đó, cứ đổi lại tên cũ: Phạm Đình Trọng. Khổ vì sự trùng là như thế này: Ông Phạm Đình Trọng kia, về sau
thường xuyên có bài trên mạng xã hội ” phản biện ” những vấn đề nóng, nhậy cảm của đất nước. Đài BBC và một số báo chí, phát thanh nước ngoài phỏng vấn ông này gây sốt nóng trên mạng xã hội. Tác giả PĐT không biết có ” nổi tiếng ” không. Nhưng nhà báo Đại tá Phạm Đình Trọng, Trưởng Ban Đại diện phía Nam báo QĐND thì gánh “hệ lụy”. Nhiều tờ báo phương Tây và một số tờ báo lá cải, báo phản động gọi điện về tận nhà riêng quấy nhiễu liên tục, kể cả khi họ biết sự thật. Nhớ có lần tôi đến đơn vị lấy tài liệu viết báo. Trong bữa tiệc tiễn nhà báo, chủ nhà là một vị tướng dày dạn trận mạc chần chừ một lúc, rồi tâm sự với tôi: ” Nói thật nhé, chúng tôi rất quý trọng, tin tưởng báo QĐND. Nhưng buồn nhất, lâu lâu lại xuất hiện người đi ngược đường. Trước có Bùi Tín, nay có Phạm Đình Trọng. Tôi có nghe danh ông Trọng nhà báo Quân đội trung kiên lắm, mà sao giờ lại thế? Nói ngược con đường mình và đồng đội đã chọn”. Tôi giải thích cho vị tướng và bạn bè hiểu rõ sự thật. Nhưng nghe chừng mọi người vẫn bán tín, bán nghi. Về cơ quan, tôi kể lại chuyện đó cho bác cả Trọng nghe và đề nghị ông viết bài nói rõ việc nhầm lẫn đáng tiếc này. Bác cả Trọng tủm tỉm cười. Lát sau ông mới nói : “Lời thị phi như gió thoảng. Cứ để gió cuốn đi”…
Cách ứng xử ấy của bác cả Trọng phải có độ lùi thời gian tôi mới ngộ ra. Đó là sức bền ngọn lửa.Tôi chợt nhớ ai đó đã viết: ” Đối với người cầm viết, đó là cách ứng xử văn hóa trên cánh đồng chữ nghĩa “./.
Sài Gòn, tháng 10-2021