Ngày 21/4, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục – Đào tạo và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.
Tham dự có các đồng chí: PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội; Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngân hàng Thế giới, các nhà hoạch định chính sách giáo dục từ Trung ương, địa phương, các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia…
Điều chỉnh cách tiếp cận tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW) và từ yêu cầu của thực tiễn.
Nhấn mạnh, một số quan điểm, nội dung của Nghị quyết 29, PGS.TS. Vũ Hải Quân cho biết, Nghị quyết 29 cũng đề xuất hệ thống giải pháp, trong đó, với giáo dục đại học (GDĐH): đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, tự chủ đại học là một chủ trương lớn, được coi là chính sách, giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH theo tinh thần Nghị quyết số 29- NQ/TW. Mặc dù việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp cải thiện, đổi mới hệ thống GDĐH và đạt được một số kết quả tích cực nhưng quan niệm và nội hàm, cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là “tự do” và “tự lo”, dẫn tới cách hiểu, cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoa Mai, mức đầu tư cho GDĐH thời gian qua đã có nhiều cải thiện nhưng còn thấp so với trung bình trong khu vực và thế giới trên thế giới. Mức đầu tư công cho GDĐH của Việt Nam chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho GDĐH Việt Nam/GDP giai đoạn 2018 – 2020 cho thấy chỉ đạt khoảng 0,27% GDP.
Cùng nhận định tỷ trọng ngân sách chi tiêu công phân bổ cho giáo dục cao đẳng – đại học thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và các quốc gia tương đương, ông Christophe Lemiere, Trưởng Ban Phát triển con người Ngân hàng Thế giới đưa ra 5 khuyến nghị chính sách về tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam.
Cụ thể là điều chỉnh cách tiếp cận tự chủ tài chính của cơ sở GDĐH, trong đó, tránh đồng nhất tự chủ tài chính với tự lực cánh sinh về tài chính hoặc hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Cùng với đó cần tăng đáng kể ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đạo học. Song song đó là tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển cho các trường đại học; điều chỉnh cơ chế phân bổ và đơn giản hóa quy trình nộp đề xuất nghiên cứu.
Riêng về việc huy động nguồn lực bổ sung từ khu vực tư nhân, ông Christophe Lemiere cho rằng, đối với hợp tác công tư cần điều chỉnh quy định PPP trong giáo dục, bao gồm việc tổ chức thực hiện và hướng dẫn, đưa ra các biện pháp khuyến khích các bên liên quan thực hiện các sáng kiến về PPP.
Quy định rõ trách nhiệm của thành viên này khi tham gia hội đồng trường
Tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ những khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả tự chủ đại học. Theo bà Nguyễn Thị Hoa Mai, trên thực tế, hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ đại học còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ. Từ đó, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản. Năng lực thực thi của hội đồng trường nhiều nơi còn yếu dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả việc quyết nghị các chủ trương, định hướng lớn cũng như giám sát các hoạt động quản lý, điều hành nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao giá trị, hiệu quả đầu tư thực hiện đúng trách nhiệm của Nhà nước đối với đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được coi là một giải pháp ưu tiên hàng đầu cùng với việc đổi mới quản trị, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ của cơ sở GDĐH gắn với trách nhiệm giải trình.
Nhấn mạnh vai trò của Hội đồng trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho rằng, trường đại học nào có “cơ quan chủ quản thu nhỏ” (tức Hội đồng trường) tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn và phát triển tốt hơn. Cơ quan chủ quản cần có quy chế rõ ràng quy định rõ trách nhiệm của thành viên này khi tham gia hội đồng trường, cách thức truyền đạt ý kiến của cơ quan chủ quản, cách thức thảo luận để đưa ra quyết nghị của Hội đồng trường. Thành viên đại diện cơ quan chủ quản phải có quyền lực thực sự, các vấn đề của trường phải trình lên cơ quan chủ quản trước đây giờ được giải quyết ngay tại Hội đồng trường bằng ý kiến tập thể của Hội đồng, trong đó, có ý kiến chỉ đạo của cơ quan chủ quản thông qua thành viên đại diện của mình.
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất, cần xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống GDĐH trong mối tương quan với hệ thống GDĐH trên thế giới. Với các quy định/chính sách liên quan đến tài chính cho các cơ sở GDĐH nên đầy đủ, đồng bộ và cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính nhất quán, tạo thuận lợi cho các cơ sở GDĐH thực thi quyền tự chủ.
S. Hải
NGUỒN: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/som-sua-doi-nhung-bat-cap-tao-thuan-loi-trong-thuc-hien-tu-chu-dai-hoc-1491907554