Đầu tháng 4/2023, từ TPHCM ra Hà Nội, ngược lên Thái Nguyên, chúng tôi thăm huyện Định Hóa, thăm các địa điểm nơi Bác Hồ đi qua và nơi Bác chọn làm địa điểm làm việc.
Phải ôn lại chút chặng đường Chính phủ Cụ Hồ đã rút lên miền vùng rừng núi này có nhiều câu chuyện hay, để khi đi tham quan du lịch chúng ta biết thêm mình đang đi trên những cung đường ghi dấu ấn lịch sử.
Trong sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ” (NXB Hội Nhà văn, năm 2012), nhà thơ Huy Cận có kể lại chuyến Bác đi công tác Thanh Hóa, Ninh Bình qua vùng Hòa Bình và chịu một trận bom vào ngày 18/2/1947.
Đó là những ngày đầu tiên vào năm 1947 khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định rời Hà Nội lên Việt Bắc của 6 tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Hà – Tuyên – Thái lập căn cứ (lần thứ 2) để kháng chiến lâu dài.
Có lẽ bị chỉ điểm nên ngày 22/2/1947, máy bay lại đến bỏ bom ở đồn điền ấy của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, làm hai vựa cà phê lớn cháy suốt một tuần và hư hại nhiều máy móc.
Doanh nhân Đỗ Đình Thiện – người đã tặng 30 vạn đồng khi ngân quỹ Cách mạng chỉ còn 24 đồng. Ông vốn học trường canh nông ở Toulouse, vào Đảng Cộng sản Pháp, về nước năm 1932. Ông cũng được Bác Hồ chọn làm thư ký đặc biệt trong 100 ngày Bác Hồ là thượng khách của nước Pháp năm 1946.
Bác Hồ đã tìm mọi cách ngăn cuộc chiến tranh nổ ra nhưng không thành. Sau cái đêm rời Hòa Bình (Chi nê) đó, trước ngày bị oanh tạc – vào đêm 21/2/1947, đoàn của Bác qua Sơn Tây, sông Hồng, Việt Trì, đến Phú Thọ rồi lên Tuyên Quang. Dọc đường, khi ô tô hỏng, Người đi bộ cùng hòa vào dòng đồng bào tản cư.
Hôm nay – đã 80 năm trôi qua – chúng tôi lên thăm lại, thấy địa hình đồi núi liên tiếp, nhỏ xinh như bát úp xưa kia nay đã mang dáng thị thành bởi các hàng quán, đường nhựa, nhưng vẫn không mất đi sự hấp dẫn, bí mật bất ngờ đối với du khách.
Những địa danh như Đèo De, núi Hồng, Khau Tý, Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Lừa, Tân Trào, Khấu Lấu, Vực Hồ… cứ dài mãi nghe lạ tai mà gợi nhớ những năm tháng gian khổ của chín năm kháng chiến. Ngày ấy Bác Hồ làm lán nhỏ, vừa và di chuyển liên tục. Lán nhà ẩn trong rừng cây. “Hành dinh” của Chủ tịch nước phải đạt được tiêu chí do Người đặt ra: “Trên có núi – Dưới có sông – Có đất ta trồng – Có bãi ta chơi – Tiện đường sang Tổng Bộ – Thuận lối tới Trung ương – Nhà thoáng ráo kín mái – Gần dân không gần đường”.
Chúng tôi bước đi qua những dấu xưa mà lòng thầm kính các bậc công thần của đất nước, đặc biệt Bác Hồ đã có mắt nhìn xa trông rộng chọn Việt Bắc làm căn cứ địa. Bởi vừa hiểm trở (nhiều đồi núi, nhiều hướng đi thuận cho việc bí mật an toàn) vừa thơ mộng: Nhiều sông suối, thung ruộng, tre nứa chim muông.
Việt Bắc đã chứng kiến nhiều phiên họp Hội đồng Chính phủ do Bác chủ trì. Thời gian họp, địa điểm luôn cơ động vì có lúc thiếu thành phần về kịp, hoặc chỉ vì do lũ ngăn đường. Không ít lần bắt đầu vào nửa đêm, kết thúc lúc mờ sáng. Mọi người ăn bát cháo rồi chia tay ra về, hoặc có lần họp xong là nhóm lửa trại, vui liên hoan, kể chuyện, đố vui.
Chiều muộn, chúng tôi tới thăm lại bản Khau Tý – nơi đây ngày 20/5/1947, Bác Hồ đã đặt Chủ tịch phủ đầu tiên nay thuộc xã Điểm Mặc. An toàn khu Định Hóa khởi đầu chặng đường Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi (những tên người bảo vệ, giúp việc cho Bác).
Việt Bắc chứng kiến các sự kiện lịch sử:
Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là kim chỉ nam về đạo đức và công tác cán bộ của Đảng (1947),
Mừng Chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông (1947),
Lễ phong tướng cho các Quân nhân (1948),
Lễ tưởng niệm Huỳnh Thúc Kháng,
Đại hội Đảng lần 2 (1951),
Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt (1951),
Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua (1952).
Ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo – Hồ Chủ tịch chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với phương châm chắc thắng hãy đánh, giao quyền cho tướng quân Võ Nguyên Giáp. Nơi đây Người cũng làm những bài thơ như “Nguyên tiêu: Rằm tháng giêng”, “Cảnh rừng Việt Bắc – Tiếng suối trong như tiếng hát xa”…
Tại Việt Bắc, chúng ta nhớ tới hình ảnh Bác Hồ xuất hiện ở sân bóng chuyền, bên bờ suối, trồng rau, câu cá, đi bộ, cưỡi ngựa… với phong độ sức khỏe tốt.
Rất may và thuận tiện, sau khi tham quan nhà trưng bày về An toàn khu Định Hóa, và đi bộ thăm các dịa danh, chúng tôi đi tiếp sang Tuyên Quang cách đó khoảng 10km để đến lán Nà Lừa (nơi Bác ở tháng 8/1945) và đình Tân Trào có bãi cỏ nơi Bác tuyên thệ với cương vị là Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng (1945). Chúng tôi đến lúc Di tích Tân Trào vừa hoàn thành khu tưởng niệm các vị tiền bối Cách mạng. Trong đó có 14 vị được đúc tượng đồng. Đó là các vị: Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu (theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang).
Người xưa có câu: “Thần thiêng nhờ thuộc hạ”. Có lẽ chính Cụ Hồ đã lãnh đạo và gắn kết với “thuộc hạ” để làm nên nước Việt Nam ngày nay. Có thể nghĩ đây sẽ là một tuyến du khảo du lịch về nguồn thật phong phú và đầy cảm xúc.
Trần Đình Việt
NGUỒN: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tham-lai-noi-bac-ho-lam-viec-o-viet-bac-1491908569