ÁP LỰC KHÔNG ĐÁNG CÓ

TS. Nguyễn Tiến Lợi

Gần đây TV đưa tin kỳ thi tuyển sinh 10 tạo áp lực cho học sinh. Kỳ thi tuyển vào lớp 6 trường chất lượng cao buộc học sinh phải định hướng học từ lớp 2 mới đậu được. Vào lớp 1, Mầm non cũng cạnh tranh gay gắt, thậm chí phải “chạy trường”… Thật bức xúc!

Theo tôi, đó là những áp lực không đáng có đối với học sinh. Vì mấy lý do sau:

1. Thời phong kiến học và thi để làm quan. Ai học giỏi, đỗ cao sẽ làm quan lớn, cuộc đời vinh hiển. Ngày nay học để biết, để có một việc làm. Học giỏi chưa chắc đã thành đạt, làm quan, làm tướng, thậm chí có thể làm lính hoặc làm thuê cho bạn học kém nó.

Phúc phận quy định mức độ thành công của con người. Tài đức chỉ chiếm chưa đến một nửa. Thế nên ngày xưa các cụ đã đúc kết: “Học tài, thi phận“. Vì vậy, không quá nặng nề về học và thi mà làm khổ con em mình.

2. Hiện nay có rất nhiều cơ hội học tập: trường công, trường tư, trường nghề… Cho nên không quá áp lực phải đậu trường này, trường nọ. Ngay cả thi vào đại học nay cũng quá dễ, chỉ xét học bạ nên hs nào cũng có thể đậu. Thế thì áp lực làm gì? Đôi khi vì bệnh “Sĩ” mà cha mẹ ép con phải học trường này trường nọ cho bằng con người ta.

3. Việc học ngày nay như cuộc chạy marathon đường dài, dồn sức vào lớp dưới thì lên cao đuối sức. Rất ít học sinh giữ được lực học giỏi từ dưới lên đến đại học và sau đại học. Vì thế cấp 1, 2 vừa chơi vừa học để giữ sức khỏe. Bên cạnh học văn hóa phải cho học sinh học nhiều kiến thức khác để phát triển toàn diện như: thể dục thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội… Những thứ này rất cần cho các em khi vào đời. Do đó, đừng dồn ép con em học văn hóa, học thêm các môn văn hóa quá nhiều.

4. Mục đích của giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức nền và rèn luyện phương pháp tư duy để giải quyết các bài toán trong cuộc sống sau này. Kiến thức rồi sẽ quên đi nên cách tư duy giải quyết vấn đề là quan trọng nhất. Điều này đề cao khả năng tự học, tư duy độc lập của học sinh. Đúng như Albert Einstein đã nói: “Giáo dục là những thứ còn lại sau khi anh đã quên hết những gì đã học ở trường“. Vậy nên, ép học sinh học thuộc lòng, học thêm nhồi nhét kiến thức…đều không đúng.

5. Người lớn quá lạm dụng nhiều chuyện, không cần thiết, đôi khi làm khổ trẻ con: Tốt nghiệp mầm non, tiểu học có cần phải áo mũ như tiến sĩ ngày xưa không? Một trường tiểu học nọ có câu khẩu hiệu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” liệu có ngoa ngôn không?

6. Thi cử ở nước ta quá nặng nề: tuyển vào mầm non, thi vào lớp 1, lớp 6, lớp 10; thi vào lớp chọn, trường chuyên, trường chất lượng cao… Đó là áp lực lớn cho học sinh mọi lứa tuổi, góp phần làm cho các em bị CÒI so với thế giới.

Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại lời một vị Giáo sư nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT: “Nước ta là một cường quốc về thi cử“!!!

NTL