Ngày 5/3 vừa qua, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai bảo mẫu Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) để điều tra vụ bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tử vong. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sáng 23/02, cháu P.T.Đ. (17 tháng tuổi, trú xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, khi các cháu được đưa vào phòng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài. Thấy vậy, Lành bực tức, dùng hai tay bế Đ lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, Lành dùng tay tát nạn nhân. Trong khi An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu bé. Chiều cùng ngày, khi bố mẹ bé đến đón con, hai nghi phạm nói cháu Đ. tự ngã.
Bên trong cơ sở trông trẻ tự phát, nơi bé Đ bị bạo hành dã man. Ảnh: Phi Hùng. |
Trong các ngày tiếp sau, bé Đ tiếp tục được bố mẹ đưa đến lớp bình thường. Đến sáng 26/02, khi cháu Đ khóc, An lại dùng chân đạp vào bụng bé. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Hai bảo mẫu đã thông báo cho gọi gia đình bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên, bé Đ đã tử vong sau đó. Nguyên nhân tử vong của bé Đ được xác định là do chấn thương sọ não, chảy máu và phù não.
Dư luận cho rằng, hành vi của hai bảo mẫu nói trên là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất côn đồ, hung hãn. Đồng thời, vụ việc cũng chỉ ra nhiều “lỗ hổng” trong công tác quản lý các nhóm trẻ mầm non tự phát. Được biết, nhóm trẻ của An, Lành là cơ sở trông trẻ chưa được cấp phép ở xã Vạn điểm (Thường Tín). Sau khi sự việc xảy ra, qua kiểm tra cho thấy cơ sở này không bảo đảm những điều kiện tối thiểu như diện tích, trang thiết bị, vệ sinh an toàn…
Thực tế, tời gian qua, trong những vụ bạo hành trẻ mầm non thì nhiều trường hợp xuất phát từ các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát. Trước đó, tháng 1/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra về tội giết người quy định tại Điều 123 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) tạm trú tại chung cư Lê Thành (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), người đã có hành vi bạo hành, đánh vào đỉnh đầu dẫn đến một bé 6 tháng tuổi dẫn đến bé bị dập não, nguy kịch. Do không có việc làm nên Võ Thị Mỹ Linh đã tự nhận trông trẻ tại nhà.
Điểm chung của các vụ việc bạo hành trẻ em liên quan đến các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ tự phát đó là bảo mẫu thường không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mầm non; các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ này không được cấp phép hoạt động; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không bám nắm địa bàn thường xuyên hoặc nắm được nhưng lại thiếu biện pháp xử lý kiên quyết. Đơn cử như cơ sở trông, giữ trẻ tự phát của các bảo mẫu An, Lành nêu trên, dù tháng 11/2022, UBND xã Vạn Điểm đã có văn bản yêu cầu nhóm trẻ này tháo dỡ biển và dừng hoạt động nhưng An và Lành vẫn tiếp tục tự ý đón trẻ để trông. Nếu công tác kỉểm tra được thực hiện với những biện pháp kiên quyết, quyết liệt thì rất có thể vụ việc đau lòng đã không xảy ra đối với bé Đ.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh: Trần Oanh. |
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em nhìn nhận, bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép khá phổ biến từ trước đến nay. Cho nên bây giờ sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố phải rà soát lại, kiểm tra lại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không đăng ký, không được cấp phép để đình chỉ.
Bên cạnh đó, một “lỗ hổng” khác cần sớm khắc phục để ngăn chặn các vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát đó là việc cha mẹ thiếu những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em; phụ huynh thiếu quan tâm đến con, nhất là các cháu ở độ tuổi quá nhỏ, chưa biết nói hoặc chưa có khả năng tự bảo vệ mình. Thông tin ban đầu cho thấy, bé trai 17 tháng tuổi dù đã bị bạo hành, bị ngã (theo lời của bảo mẫu) nhưng khi về nhà bố mẹ kiểm tra vết thương của cháu, sau đó, lại tiếp tục gửi bé đến cơ sở trông giữ trẻ đó, dẫn đến hành vi bạo hành tái diễn với hậu quả nghiêm trọng hơn.
Câu chuyện trẻ bị bạo hành đã diễn ra từ nhiều năm nay và bị lên án rất mạnh mẽ. Thế nhưng, tình trạng này không hề thuyên giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Những vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát là điều không ai mong muốn. Sau mỗi vụ việc không chỉ là nỗi đau về thể chất, tâm hồn của con trẻ, không chỉ là mất mát của các bậc cha mẹ, gia đình mà còn là sự bất bình của dư luận xã hội. Để hạn chế, ngăn chặn những vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát, thiết nghĩ vấn đề quan trọng là cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với vai trò nòng cốt là UBND cấp xã/phường/thị trấn và cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện, thành phố, thị xã. Bởi chỉ có cấp gần dân nhất này mới nắm bắt và hiểu đầy đủ về điều kiện hoạt động, tình hình thực tế của các cơ sở trông, giữ trẻ trên địa bàn. Chỉ khi nào việc quản lý được thực hiện đầy đủ, công tác kiểm tra, xử lý tiến hành kiên quyết thì khi đó, sức khỏe, quyền lợi và sự an toàn của trẻ nói chung, trẻ ở tuổi mầm non nói riêng mới có thể được bảo đảm trong thực tiễn.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh, đặc biệt là các cha mẹ nuôi con nhỏ cần phải được tăng cường truyền thông về kỹ năng chăm sóc và bảo vệ con. Mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm, chăm sóc con bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là trẻ chưa biết nói, cha mẹ cần thường xuyên gần gũi, quan tâm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất ổn về tâm lý hoặc những vết thương, dấu hiệu khác lạ trên cơ thể con. Cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về các cơ sở mầm non trước khi đưa ra quyết định gửi con; chỉ gửi con ở những cơ sở mầm non, các nhóm trẻ, các trường tư thục có giấy phép và đủ các điều kiện hoạt động… Đó là cách tốt nhất để chúng ta bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ của các hành vi bạo hành./.