Ông Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương mong muốn các bác sĩ được hưởng chế độ phải có trách nhiệm với ngành, với người dân. Ảnh: LA |
Công văn “cấm cửa” bác sỹ vi phạm hợp đồng
Ngày 2/3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã gửi công văn đến các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế và đại học y dược trên cả nước đề nghị các đơn vị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ.
Lý do là những bác sĩ này đã vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương. Họ thuộc diện được UBND tỉnh cử đi đào tạo hoặc được hưởng tiền theo diện thu hút nhân lực và cam kết phục vụ từ 6 đến 10 năm, nhưng đều tự ý nghỉ việc và chưa bồi thường khoản kinh phí đã nhận cho tỉnh. Nhiều bác sĩ nhận 400 – 420 triệu đồng tiền thu hút nhân lực của tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ nhưng tự ý nghỉ việc khi chưa đủ thời gian cam kết, chưa hoàn trả số tiền đã nhận.
Trong số 6 bác sĩ trên, 5 người công tác tại các khoa Nội tim mạch, Thần kinh Ung bướu, Nội tổng hợp, Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và một bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng.
Không chỉ ở Bình Dương, thời gian qua, một số tỉnh, thành phố khác cũng có tình trạng bác sĩ công tác tại những cơ sở y tế công lập tự ý nghỉ việc, vi phạm cam kết.
Ngày 24/2, Bệnh viện Lê Văn Việt (bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) ra văn bản đề nghị các cơ sở y tế, ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn đối với một bác sĩ vi phạm cam kết về thời gian làm việc và nghĩa vụ tài chính, không cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ này trong hoạt động khám chữa bệnh tại địa phương.
Ngày 7/3, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đề nghị các Sở Y tế cả nước, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở y tế, trường đại học y, dược không tiếp nhận bác sĩ đa khoa P.H.T (công tác tại Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời) do vi phạm cam kết về thời gian phục vụ tại bệnh viện. Trước đó, bác sĩ T. được UBND tỉnh Cà Mau cấp kinh phí đi học.
Ngày 7/3, Sở Y tế Lâm Đồng có văn bản đề nghị các đơn vị y tế trực thuộc Sở không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hoặc đào tạo 6 bác sĩ vi phạm cam kết mà Sở Y tế Bình Dương thông báo.
Công văn của các Sở Y tế nêu trên nhận nhiều ý kiến trái chiều, có người cho rằng có gì đó không ổn, phản cảm,… Một số ý kiến khác cũng cho hay, dưới góc độ pháp lý mọi công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Đây là những quyền cơ bản được Hiến pháp 2013 và Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận, được Nhà nước bảo vệ. Nếu các bác sĩ đi học là tiền ngân sách nhưng không phục vụ như thỏa thuận ban đầu thì phải đền bù là đúng quy định. Nhưng các cơ quan liên quan cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho các bác sĩ về mặt pháp lý và tư vấn nội dung để họ thực hiện đúng cam kết. Nếu không thực hiện đúng cam kết có thể gửi văn bản nhắc nhở họ thực hiện theo quy định. Tình trạng các bác sĩ hay công nhân viên chức vi phạm hợp đồng cam kết đào tạo, thu hút nguồn nhân lực với Nhà nước đã xảy ra nhiều. Một số vụ việc đã được đưa ra tòa án giải quyết. Do đó, không nên phát công văn đi toàn quốc…
Nhân văn trong đào tạo nguồn nhân lực
Môi trường làm việc áp lực, mức lương thấp khiến nhiều bác sĩ không mặn mà với y tế công lập. Ảnh: NH |
Có thể nói những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn qua tâm đến nguồn nhân lực cho đất nước. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”. Thực hiện theo quan điểm ấy, các đơn vị, địa phương đã tập trung nghiên cứu, ban hành những chính sách tốt nhất “trải chiếu hoa” “trải thảm” để đón người tài, trong đó tập trung vào quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Và trong cái chung ấy, chính sách của các đơn vị, tỉnh, thành thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cao phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân là quan điểm rất nhân văn. Nhiều tỉnh, thành phố có chính sách hấp dẫn thu hút được nhân tài, những người đi đào tạo, bồi dưỡng về đã thực sự phát huy tốt, được qui hoạch nguồn cấp cao hơn. Người tốt nghiệp loại giỏi được ưu tiên chọn đơn vị công tác, thăng tiến cũng nhanh hơn, có bác sĩ hiện tại đã là trưởng, phó khoa phòng. Ngành y tế đang rất mong muốn tất cả nhân viên y tế được hưởng chế độ đào tạo và thu hút từ nguồn ngân sách phải có tinh thần trách nhiệm cao nhất với người dân, người bệnh và địa phương.
Tuy nhiên, như trên đã nêu, còn một số y, bác sĩ chưa xác định tốt đã vi phạm hợp đồng, việc này có nhiều nguyên nhân, như: Trong quá trình tổ chức thực hiện còn chưa đồng bộ và thiếu cơ sở cho việc thực thi chính sách, có bác sĩ người trong cuộc có lý do là gia đình khó khăn, mẹ già, con nhỏ mong được gần nhà. Các y bác sĩ y tế công lập bỏ việc là do thu nhập trong thời gian qua còn thấp, không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, điều kiện làm việc không đảm bảo yêu cầu, môi trường làm việc áp lực, kiêm nhiệm một số công tác ngoài chuyên môn.
Do đó, để giữ chân được các y, bác sĩ giỏi cần xây dựng thể chế pháp luật phù hợp trong việc xử lý sai phạm, trách nhiệm của bác sĩ trong khám chữa bệnh. Khung pháp lý rõ ràng, chế độ đãi ngộ phù hợp sẽ giúp giữ chân nhân sự y tế, giảm thiểu xáo trộn, bị động tại đơn vị khi chưa bố trí kịp thời người thay thế.
Để giữ chân y, bác sĩ trong thời gian chờ đợi chính sách từ Trung ương về cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế, nhiều tỉnh, thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ riêng. Tăng thu nhập cho nhân viên y tế, đào tạo, bồi dưỡng đặc thù; tạo môi trường làm việc an toàn… là những chính sách để giải quyết những vấn đề trên./.