Chiều 8/9, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản trong thời gian qua; chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Tham dự buổi tiếp và làm việc với Đoàn, đại diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện. Đại diện Học viện Báo chí và Tuyên truyền có các đồng chí: Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện; Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện; Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện cùng lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị của Học viện.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Đào tạo, bồi dưỡng gần 20 nghìn cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông
Báo cáo tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng chí Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện cho biết: Được thành lập từ năm 1962, đến nay Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ; gần 20 nghìn cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông. Trong đó, nhiều học viên nhà trường được đào tạo tại Học viện đã, đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của đất nước.
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, nhất là từ 5 năm gần đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này của đất nước. Trong đó, cung cấp cho Đảng, Nhà nước và xã hội nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông; bước đầu hình thành được đội ngũ nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhận thức chính trị tốt, góp phần nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông cho Đảng, Nhà nước về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước.
Cụ thể, hiện Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 30 đơn vị trực thuộc với tổng số 369 cán bộ, giảng viên cơ hữu là 219 người, giảng viên thỉnh giảng là 331 người, trong đó có 21 PGS, 102 tiến sĩ, 198 thạc sĩ, 35 cử nhân. Số ngành và chương trình đào tạo hiện nay có: 12 ngành/40 chương trình đào tạo trình độ đại học; 01 chương trình đào tạo liên kết quốc tế; 12 ngành/19 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ; 7 ngành đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, Học viện đang đào tạo đại học: 8.544 sinh viên; thạc sĩ: 1.627 học viên; tiến sĩ: 346 nghiên cứu sinh.
Trên các lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 đến năm 2022), Học viện đã đào tạo 5.660 sinh viên. Đây cũng là nhóm tuyển sinh tiềm năng và có sức hút nhất của Học viện hiện nay, chiếm hơn 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Ngoài ra, kết quả tuyển sinh trình độ thạc sĩ đạt 1.127 học viên, trình độ tiến sĩ tuyển sinh được 58 chỉ tiêu. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp của các ngành/chuyên ngành lĩnh vực công tác tư tưởng, báo chí, xuất bản, truyền thông ở mức cao so với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của Học viện.
Đồng chí Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền báo cáo tại buổi làm việc. |
Chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công và thương hiệu của nhà trường. Hằng năm, Học viện đều khảo sát về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhìn chung, sinh viên học nhóm ngành báo chí, xuất bản, truyền thông đều có tỷ lệ việc làm cao, bình quân trên 70% làm đúng lĩnh vực được đào tạo… – đồng chí Phạm Minh Sơn cho biết.
Chia sẻ kết quả đạt được, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Minh Sơn cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trong những năm qua cũng có một số hạn chế, bất cập, vì đây là lĩnh vực đặc thù, chưa có chính sách riêng để đầu tư phát triển. Việc đào tạo các ngành này cũng giống như các ngành khác hiện nay trong hệ thống đào tạo đại học chung của Việt Nam. Vì vậy chưa thuận lợi cho Học viện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này của xã hội; việc ồ ạt đào tạo ngành truyền thông của các trường dân lập hiện nay đang tạo hiện tượng nóng ảo, dẫn đến việc dư thừa về đầu ra…
Các đại biểu tham dự tại buổi làm việc |
Phát triển Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung, phương hướng và đề xuất về việc phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng làm công tác tư tưởng – văn hóa, báo chí – truyền thông, cán bộ. Các ý kiến phát biểu cũng kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác một số nội dung như: Sớm có tổng kết về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước để đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực này; phối hợp rà soát, phân định rõ chức năng, quyền hạn đào tạo nguồn nhân lực làm công tác báo chí, truyền thông hiện nay, nhất là giữa cơ sở công lập và dân lập; tăng cường định hướng về tư tưởng, chính trị trong việc xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản và truyền thông; thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng và quy định về nội dung, chương trình, các điều kiện nguồn lực cán bộ trong cấp chứng chỉ và công nhận giá trị của chứng chỉ về báo chí, xuất bản, truyền thông của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, xuất bản.
Học viện cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư các nguồn lực cho Học viện thực hiện thành công Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển trường trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đang tích cực chỉ đạo triển khai Đề án bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, người làm báo, xuất bản trong cả nước. Vì vậy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần có sự tương tác, phối hợp, trao đổi thường xuyên hơn nữa giữa Học viện và các cơ quan báo chí, xuất bản; mời các đồng chí lãnh đạo vụ, đơn vị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia các hội thảo khoa học, tọa đàm, giảng dạy một số tiết học trong nhà trường để tăng tính thực tiễn; tăng cường cử cán bộ, giáo viên nhà trường tham dự các hội nghị, tổng kết về lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản; ký chương trình phối hợp với một số cơ quan báo chí để phối hợp trong việc tham gia đào tạo, tạo điều kiện cơ hội cho sinh viên thực tập và ra trường…
Chuẩn hoá về nội dung chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu đặt ra, bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng thời khẳng định, nhà trường đã và đang nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng phóng viên báo chí, biên tập viên xuất bản; là cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham gia góp ý xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng, báo chí, xuất bản và truyền thông.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Đề cập tới các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc hết sức thiết thực, xác đáng, rõ ràng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Nghề báo là một nghề cao quý nhưng đầy khó khăn, gian khổ và thử thách, vì vậy yêu cầu đặt ra đối với đào tạo đội ngũ người làm báo chí truyền thông, xuất bản đòi hỏi về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nhưng trên tất cả đó là lòng tự tôn, tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có định hướng chỉ đạo Học viện trong việc chuẩn hoá về nội dung chương trình đào tạo; có khung đào tạo chuẩn, đáp ứng yêu cầu đặt ra, bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, trong đó, đề cao việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong làm báo và viết báo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong công tác đào tạo, quản lý giáo dục đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ giảng dạy tâm huyết, yêu nghề, truyền cảm hứng, kinh nghiệm thực tiễn cho các thế hệ sinh viên có bản lĩnh nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, đẩy mạnh việc đào tạo báo chí, truyền thông về lĩnh thông tin đối ngoại, đưa các yếu tố vùng miền trong công tác đào tạo, đặc biệt không để thiếu thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ báo chí truyền thông và xuất bản, vì đó là sự thể hiện văn hóa, thể hiện vị thế của một quốc gia, dân tộc…/.