KINH DOANH GIÁO DỤC?!

Hai ngày nay nghe ti vi nói về chuyện “Dạy thêm, học thêm”. Lại có việc Bộ Giáo dục và Đào đề nghị cho phép dạy thêm như một nghề “kinh doanh có điều kiện” đã 2 năm mà chưa được duyệt!


Là nhà giáo suốt đời vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tôi thấy bức xúc vì mấy lý do:
1- Trước đây, nghị quyết của Đảng có nêu: chống thương mại hoá giáo dục. Tôi rất đồng tình với điều này.
Bây giờ coi giáo dục là nghề “kinh doanh” thì tính chất cao đẹp của nghề giáo bị xâm hại và uy tín nhà giáo bị xúc phạm!
Kinh doanh hiểu một cách dân dã là “buôn bán”. Vậy là ngành giáo dục buôn chữ, nhà giáo bán chữ! Người ta có thể gọi là “con buôn”! Đau lắm thay!
Có lẽ với tư duy này nên mới có chuyện sách giáo khoa có nhiều bộ và có nhiều “sạn” và chương trình phổ thông mới nhiều bất hợp lý mà hôm giờ dậy sóng trên mạng. Buồn lắm thay!
2- Số lượng giáo viên dạy thêm không nhiều. Đó là giáo viên tiểu học; ở trung học thì chỉ các môn: toán, lý, hoá, văn, tiếng Anh. Mà trong các môn này không phải giáo viên nào cũng dạy thêm cả. Tỷ lệ giáo viên dạy thêm ở bậc trung học chỉ vào khoảng 20%. Lúc là giáo viên vật lý tôi cũng có dạy thêm. Tôi thấy thu nhập từ dạy thêm cũng chẳng đáng là bao, cũng chỉ hỗ trợ thêm cho chi tiêu hàng ngày, số người thu nhập cao cũng chỉ 5% mà thôi. Từ những năm 80 về trước, có dạy thêm, học thêm đâu. Và xa hơn nữa, hàng ngàn năm nay không có dạy thêm học thêm như mấy chục năm trở lại đây. Thế nhưng vẫn rất nhiều nhân tài đó thôi.
Kinh doanh có nghĩa là mua bán: thầy bán chữ, trò mua chữ và quan hệ bằng đồng tiền; đồng tiền là thước đo giá trị. Thế là đồng tiền lên ngôi!
Vậy quan hệ thầy trò còn trong sáng không? Uy tín của thầy còn giữ được không? Chắc chắn sẽ có sự biến chất, thật là buồn!
3- Tại sao lại có dạy thêm, học thêm?
Theo nhiều người là do: chương trình quá tải, đề thi đại học quá cao, áp lực bằng cấp!
Những điều này nằm trong tầm tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sao không làm? Tại sao lại thương mại hoá giáo dục?!

TS. NGUYỄN TIẾN LỢI