Bạn đọc Nguyễn Ánh Dương, sống tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hỏi: Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, vào các dịp lễ Tình nhân 14/02, Quốc tế Phụ nữ 08/3 hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, sinh nhật…, nhiều hộ kinh doanh và cá nhân có ý tưởng sử dụng tờ tiền kết thành các bó hoa, thậm chí cả lẵng hoa đáp ứng nhu cầu tặng quà, chúc mừng…. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc này?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, khái niệm đẹp của các “bó hoa được kết từ tiền” đã vượt qua yếu tố thẩm mỹ, màu sắc, mùi hương, đạt tới mức độ chịu chơi, đúng trào lưu và thể hiện đẳng cấp của cả người tặng lẫn người được tặng. Tuy nhiên, việc này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Một bó hoa được kết từ những tờ tiền polime mệnh giá 500.000 đồng (Ảnh minh họa, nguồn: kinhtedothi.vn) |
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở một số hộ kinh doanh cũng như khuyến cáo người dân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc bảo vệ tiền Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các hành vi gây hư hỏng, làm rách khiến cho tiền không có giá trị lưu thông hay khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm đếm hay lưu trữ.
Theo Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg (Số: 130/2003/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 6 năm 2003) của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, có 4 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
Cụ thể, làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả; hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước; và từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Mọi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các điều cấm nêu trên đều có thể bị xem xét, xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Mục 8 Chương II Nghị định 88/2019/NĐ-CP (Số: 88/2019/NĐ-CP, ngày 14 tháng 11 năm 2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện theo quy định.
“Khoản 1 Điều 4 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg cũng quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng”, luật sư Trương Anh Tuấn phân tích thêm.
Do đó, trong một xã hội hiện đại, nếu mỗi người dân đều có ý thức sử dụng cẩn thận, nâng niu thì đồng tiền sẽ được sử dụng lâu và sẽ góp phần giảm chi phí để in tiền mới. Chi phí bỏ ra để in tiền rất lớn: giấy, mực in, tem chống giả… toàn là chi phí đắt tiền vì nguyên vật liệu làm ra đồng tiền phải là loại cao cấp thì mới không làm giả được.
“Một người có văn hóa là người luôn luôn có ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm, ý thức tập thể… Khi một người đã có được nhận thức đúng về vai trò của pháp luật, thường xuyên trau dồi hiểu biết pháp luật và luôn chú tâm để việc mình làm không vi phạm pháp luật”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.