MỸ THUẬT ỨNG DỤNG – NGUỒN LỰC QUAN TRỌNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HOÁ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đẹp mê hồn

TS. Nguyễn Thị Hợp

Trong thế kỷ XXI này, Mỹ thuật ứng dụng (MTUD) hay Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam là ngành Công nghiệp Văn hoá đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng ở khắp các thành phố trên cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng, có một vị trí địa chính trị quan trọng, một trung tâm kinh tế, văn hoá lớn và một đầu mối giao lưu quốc tế; nên có lợi thế để phát triển MTUD lên một tầm mức cao, làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, văn hoá sánh ngang với các nước trong khu vực. 

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nền kinh tế sáng tạo, trước  tình hình thực tế của thành phố (TP); Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã đề ra nghị quyết dài hơi hướng tới mục đích là: “TP.HCM sẽ trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hoá của khu vực Đông Nam Á”. Trong một cuộc hội thảo khoa học gần đây cũng nêu vấn đề “Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá TP.HCM: hướng đến một nền văn hoá đỉnh cao”. Hội thảo đã xác định có tám ngành thuộc công nghiệp văn hoá thì mỹ thuật và MTUD chiếm hầu hết vị trí với vai trò chủ lực. Mục tiêu đề ra cụ thể về kinh tế mà các ngành công nghiệp văn hoá TP.HCM cần phấn đấu đóng góp là 5% tổng sản phẩm (GRDP) ở giai đoạn 2020 – 2025, 6% ở giai đoạn 2025 – 2030. Một cuộc hội thảo khác diễn ra vào ngày 4/3/2023, do Sở Văn hoá Thông tin và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm góp ý cho dự thảo Đề án “Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hoá giai đoạn 2020 – 2030”. Trong đó nêu rõ công nghiệp văn hoá được chia thành mười hai ngành chính, với quá nửa số lượng là nghệ thuật xem, Nhìn. Như thế, TP chúng ta đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của MTUD, là mũi nhọn tiên phong của ngành công nghiệp văn hoá.

Khái niệm MTUD (Applied Design) từ phương Tây vào nước ta, đến nay đã trở thành thuật ngữ thông dụng của ngành và trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội. Nói một cách ngắn gọn thì MTUD là sự tổng hợp của hai quá trình Thiết kếChế tạo nhằm phù hợp với nhu cầu của đời sống con người và phù hợp với hình thức xã hội công nghiệp hiện đại. MTUD bao gồm một số ngành chính như: Thiết kế đồ hoạ, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế trang trí…

Nhiều năm qua, người ta quan niệm nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hoá là tài nguyên, tiền vốn, khoa học kỹ thuật và con người. Trong mấy thập kỷ gần đây, lý thuyết về sự phát triển cũng như nhận thức về nó ngày càng có bước tiến mới, dần hoàn thiện, toàn diện hơn ở các chiều kích. Với hai thuộc tính sáng tạothương mại, MTUD được coi là nguồn lực phi vật thể của sự phát triển kinh tế, văn hoá. Bởi vì, hình thức đặc trưng của MTUD là sáng tạo ra giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cho các sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp, phục vụ nhu cầu mọi mặt, mọi hoạt động của đời sống con người. Nói đến giá trị mỹ thuật của của các sản phẩm cũng là đề cập đến giá trị tiềm ẩn, trừu tượng, có vẻ như vô hình, khó diễn tả thấu đáo bằng lời. Nhưng giá trị này sẽ xuất hiện và phát huy sức mạnh khi tác động vào cảm xúc của con người, tạo ra sự thăng hoa, sự khích lệ, thúc đẩy các hoạt động có hiệu quả cao hơn. MTUD mang lại giá trị tinh thần cho con người, nó trở nên có sức mạnh vô hình, đôi khi có thể gọi là sức mạnh siêu hình, và trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hoá TP. 

Trên bình diện kinh tế, từ lâu đã xuất hiện khái niệm tài sản vô hình, gồm những yếu tố như: tổ chức bộ máy và nghệ thuật quản lý, hệ thống thông tin khoa học kỹ thuật, sự tín nhiệm sản phẩm, thương hiệu… thêm một yếu tố hết sức cần thiết thuộc về MTUD. MTUD gắn chặt với hàng hoá, làm ra những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, nên là bộ phận quan trọng của thương mại; thương mại là động lực phát triển MTUD, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Điều này làm hình thành mối quan hệ gắn bó hữu cơ không thể tách rời giữa hai đối tượng MTUD – Thương mại trong phát triển toàn diện, bền vững ở tất cả các lĩnh vực. 

MTUD là sự chuyển hoá năng lực tinh thần của con người vào hoạt động kinh tế. Đó chính là trí tuệ, cảm xúc của chủ thể sáng tạo đã “thổi hồn” vào trong những sản phẩm MTUD để những sản phẩm vật chất chứa đựng giá trị tinh thần thẩm mỹ. Thẩm mỹ là giá trị có vai trò đặc biệt quan trọng khi con người hiện đại luôn thích và luôn luôn thay đổi sở thích hướng tới cái mới, cái đẹp, cái độc, lạ. Đó là hấp lực có sức mạnh nâng đẩy sự phát triển MTUD, làm chất xúc tác trực tiếp đến sự phát triển kinh tế ở một thành phố đông dân nhất nước này. Thực tế cho thấy hoạt động MTUD phát triển mạnh đã tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng ở lĩnh vực đào tạo. Chẳng hạn, năm 1993, thành phố chỉ có một khoa MTUD thuộc trường Đại học Bách Khoa, đến nay đã có mười lăm cơ sở đào tạo khoa này. Công tác đào tạo đồng thời bắt kịp xu thế xã hội, cập nhật các môn học truyền thông đa phương tiện – có tính liên ngành, đáp ứng nhu cầu thực tế, hướng tới việc xây dựng thành phố thông minh; do đó rất cần sự hỗ trợ của MTUD và công nghệ. Mặt khác nên lưu ý, cho dù công nghệ đem đến nhiều thuận lợi về kỹ thuật và góp phần nâng cao hiệu quả nghệ thuật, nhưng máy vi tính và các phần mềm không thể thay thế tư duy, cảm xúc thẩm mỹ của con người. 

Phát triển ngành MTUD thành ngành kinh tế sáng tạo quan trọng của TP, cần phát triển mạnh cả về về chấtlượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc thiết kế, sản xuất nhiều sản phẩm hàng hoá và hàng hoá văn hoá có chất lượng thẩm mỹ cao, phong phú, đa dạng. Thiết kế là quá trình sáng tạo ra những sản phẩm hữu hình đáp ứng nhu cầu vật chất, đồng thời tạo dựng một không gian văn hoá, ảo giác về vẻ đẹp (xuất hiện trong bộ não, trong tưởng tượng của con người). Kết quả là sự cộng hưởng vẻ đẹp trên các vật thể, phi vật thể, mang lại hình ảnh văn minh của đô thị đang phát triển. MTUD mà thiết kế là cốt lõi, và phải là thiết kế tốt mới làm nên giá trị thẩm mỹ đích thực, vẻ đẹp đích thực cho sản phẩm. Khi đó, MTUD tham gia trực tiếp vào phát triển kinh tế TP, tạo thêm công việc cho nhiều thành phần, cho người dân được tiếp cận, tương tác và thụ hưởng giá trị thẩm mỹ. Hiểu rõ mối liên hệ mật thiết giữa MTUD và kinh tế, lãnh đạo TP.HCM đã và đang đề ra nhiều chủ trương, chính sách, kết hợp việc đầu tư lớn vào mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá nhằm gặt hái thành công về kinh tế. MTUD và kinh tế luôn đồng hành trong nền kinh tế tri thức. Sự tác động qua lại giữa hai lĩnh vực trên thể hiện khi kinh tế phát triển sẽ đánh giá MTUD, MTUD phát triển kéo theo kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Bản thân MTUD là sự kết hợp hữu cơ giữa hai giá trị tinh thần và vật chất, giữa hàng hoá và văn hoá, giữa thẩm mỹ và kinh tế, nên có thể coi MTUD là công cụ, phương tiện để phát triển kinh tế, văn hoá TP lên tầm cao mới.

Thành phố Hồ chí Minh là nơi hội tụ khối cung cầu rất lớn để lan toả đi khắp nơi. Doanh số thương mại của TP chiếm đến 70% so với cả nước. MTUD bao quát mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra những điều kiện, cơ hội thuận lợi nhằm phát huy nội lực, phát triển nội thương và cả ngoại thương nữa. Giá trị mỹ thuật, thẩm mỹ có thể tạo ra giá trị kinh tế to lớn thể hiện bằng lợi nhuận do kinh doanh các ngành MTUD, công nghiệp văn hoá mang lại. TP.HCM với vị thế đặc biệt quan trọng trong thời kỳ giao lưu hội nhập cùng thế giới văn minh, nên MTUD cần được nâng cao thường xuyên, liên tục để đạt các mục tiêu đã đề ra.

Ở lĩnh vực văn hoá, MTUD trong bản thân nó đã hàm chứa đậm đặc yếu tố văn hoá. Nói đến MTUD, người ta đề cập đến rất nhiều yếu tố về kỹ thuật, kinh tế, điều kiện tự nhiên… nhưng không thể bỏ qua các yếu tố về tâm lý, tập quán, nếp sống, sở thích của con người, cùng lịch sử thẩm mỹ, điều kiện xã hội, môi trường, văn hoá. Văn hoá là hoạt động tinh thần nhằm phát huy những năng lực bẩm sinh thuộc về bản chất con người khát khao vươn tới cái Chân, Thiện, Mỹ. Cái Mỹ, cái đẹp do MTUD tạo ra đã làm cho môi trường sống trở thành môi trường văn hoá. Lịch sử MTUD là lịch sử của các hình thức sống, là phong cách ứng xử của con người với đồ vật, với thiên nhiên, môi trường, xã hội. Đó là một quá trình dài lâu với những bước tiến ngày càng mở rộng ở nhiều chiều hướng, phong phú về nhận thức, về quan điểm thẩm mỹ, thể hiện trong lịch sử văn hoá, văn minh của nhân loại.

Mỹ thuật ứng dụng mang lại giá trị thẩm mỹ, một giá trị đặc thù có tính phổ quát. Giá trị này ngưng đọng và biểu hiện qua các vật thể vật chất, phi vật chất, tạo nên giá trị về văn hoá. Vẻ đẹp ở những sản phẩm vật chất hàng hoá đã làm cho môi trường sống của con người trở thành môi trường văn hoá, văn minh; thẩm mỹ môi trường đô thị trở nên hiện đại, gây ấn tượng sâu sắc cho các chủ thể hưởng thụ.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương giàu tiềm năng sáng tạo, có nền văn hoá phong phú, đa dạng. Văn hoá Sài Gòn – TP.HCM hình thành trên nền tảng văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á. Trải qua hơn 300 năm lịch sử đầy biến động, nó đã phát triển trong sự giao lưu mật thiết với văn hoá khu vực và ngày càng giao lưu chặt chẽ với văn hoá phương Tây. Một nguyên lý bất di bất dịch là muốn tạo ra sự phát triển mà nhất là phát triển đột biến thì chắc chắn phải có sự tiếp xúc, giao lưu, học tập thế giới ngoài sự phát triển tự thân. MTUD và các ngành công nghiệp văn hoá ở TP.HCM phát triển mạnh mẽ cũng là do sự năng động, linh hoạt trong định hướng, “đi tắt đón đầu”, giao lưu, tiếp biến văn hoá, cùng với quan điểm xuyên suốt về phương thức sáng tạo: kỹ thuật phương Tây, tâm hồn Việt Nam, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Ở nơi đây, sự phát triển như vũ bão của văn hoá tiêu dùng và nhu cầu cao về văn hoá tinh thần đã khiến cho những luồng tiếp cận, giao lưu trở nên nhanh hoạt, phóng khoáng; làm cho bầu không khí văn hoá, thẩm mỹ TP luôn tươi mới, sôi động. Các chủ thể thẩm mỹ có cơ hội nảy sinh ra nhiều ý tưởng mới, khơi nguồn cảm hứng hướng đến cái đẹp, kích thích sự sáng tạo và hưởng thụ từ nguồn MTUD và các ngành công nghiệp văn hoá.

Trong thời đại của kinh tế tri thức, công nghệ 4.0, MTUD có thể chuyển biến sản phẩm thẩm mỹ thành giá trị kinh tế, giá trị văn hoá; hỗ trợ đắc lực việc xây dựng và phát triển nền kinh tế sáng tạo, nền văn hoá độc đáo ở TP.HCM.

Tổng kết về sự phát triển kinh tế, xã hội trong ba thế kỷ qua, đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây, người ta đi tới kết luận rằng, những nước có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng là những nước biết coi trọng văn hoá, ưu tiên đầu tư cho văn hoá. Họ phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá, văn hoá truyền thống. Thấm nhuần bài học kinh nghiệm sâu sắc này, TP.HCM muốn phát triển kinh tế, cần coi trọng văn hoá, coi trọng việc phát triền MTUD và các ngành công nghiệp văn hoá để vừa đạt hiệu quả cao ở mục tiêu kinh tế; vừa tạo ra các giá trị văn hoá, môi trường văn hoá, thẩm mỹ môi trường công cộng, văn minh đô thị hiện đại./.

TP.HCM, tháng 3/2023

                                                                                                           N.T.H

(Số ĐTDĐ : 0908382098)

(Địa chỉ: 456/37 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP.HCM)