Nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện nay khá đa dạng, trong đó, các yếu tố cốt lõi để lao động có thể đáp ứng được yêu cầu đó là nắm vững chuyên môn nghiệp vụ; trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm. Đó là những ý kiến được đưa ra tại Talkshow “Bùng nổ công nghệ – Rủi ro suy thoái kinh tế và cơ hội việc làm hiện nay” diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM ngày 23/4.
3 nhóm yêu cầu về vị trí việc làm
Tại chương trình, Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, dự báo năm 2023, thị trường lao động của TPHCM có nhu cầu từ 280.000 đến 320.000 lao động ở các vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu lao động đã qua đào tạo chiếm đến 86,45%, cụ thể trình độ đại học 23,54%, cao đẳng 20,65%, trung cấp 25,49%, sơ cấp 16,77%. Trong tổng số nhu cầu nhân lực, khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 70,61%, công nghiệp – xây dựng chiếm 28,06%, khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,3%; các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 88% trong tổng nhu cầu nhân lực thị trường. Theo loại hình doanh nghiệp, nhu cầu lao động của doanh nghiệp Nhà nước chiếm 1,9%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 88,93%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,17%.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 đến năm 2030, dự báo nhu cầu nhân lực bình quân mỗi năm tại TPHCM cần khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc (trong đó 135.000 – 140.000 chỗ việc làm mới). Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện nay khá đa dạng, trong đó, các yếu tố cốt lõi để lao động có thể đáp ứng được yêu cầu đó là nắm vững chuyên môn nghiệp vụ; trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm; tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu công việc; hiểu biết các quy định pháp luật liên quan đến lao động.
Chuyên gia nhân sự Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, thực tế trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong các yêu cầu cơ bản tuyển dụng nhân lực đều có yêu cầu về kỹ năng, năng lực, bên cạnh yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm. Tùy từng vị trí việc làm, doanh nghiệp thường đưa ra 3 nhóm yêu cầu. Đó là kỹ năng cơ bản (yêu cầu chung cho các ngành nghề), kỹ năng chuyên môn theo từng vị trí và kỹ năng lãnh đạo cho các vị trí lãnh đạo.
Cần nhiều kỹ năng mềm mà công nghệ, trí tuệ nhân tạo không thể làm được
Liên quan đến sự phát triển của công nghệ hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh tương tác Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, bên cạnh rất nhiều ưu điểm thì trí tuệ nhân tạo cũng có những nhược điểm riêng khiến nó không thể thay thế con người, như không có tính liên kết dữ liệu, không có tính tưởng tượng và cảm xúc… Vì vậy, trong tương lai dù trí tuệ nhân tạo có phát triển mạnh hơn nữa cũng không thể nào có thể thay thế con người. Tức là trí tuệ nhân tạo không làm cho ngành nghề nào hoàn toàn biến mất mà người học có sự biến đổi linh hoạt, thích nghi giữa các ngành khác nhau, dựa trên công nghệ số.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, trong đào tạo và nhu cầu xã hội hiện có hai xu hướng chính. Đó là xuất hiện những ngành nghề hoàn toàn mới hoặc sự tự đổi mới của những ngành đào tạo truyền thống để thích nghi trong bối cảnh bùng nổ công nghệ. Quá trình chọn ngành học, rất nhiều học sinh đặt câu hỏi rằng ngành nghề nào sẽ bị thay thế, ngành nghề nào sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, thay vì chỉ quan tâm đến việc học ngành nào thì nên đặt vấn đề học như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc. Trên thực tế, để giải quyết các yêu cầu công việc, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần rất nhiều kỹ năng mềm khác, điều mà công nghệ, trí tuệ nhân tạo không thể làm được.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân cũng đã đưa ra một số khuyến cáo phát triển nghề nghiệp. Trong đó tìm đúng nghề và phát triển công việc; xây dựng giá trị hành nghề; biết xác định mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp.
Nguyễn Nam
NGUỒN: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ngoai-kien-thuc-chuyen-mon-sinh-vien-can-trang-bi-nhieu-ky-nang-mem-1491907673