TỪ NGUYÊN THẠCH
Nguyễn Khuyến nhà thơ đã được các bậc thức giả bàn nhiều, bài viết này chỉ xin bàn một khía cạnh khác, cũng thú vị không kém của vị Tam nguyên xứ Yên Đỗ: Nguyễn Khuyến nhà giáo!
Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) người tổng Yên Đổ, nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là nhà thơ của cảnh nhàn thi vị, cuối đời muốn thoát khỏi một xã hội nhố nhăng để tìm đến cõi lòng thanh tịnh nhưng cũng không yên. Giữa tâm hồn ông là sự dằn xé giữa quay lưng và ngoảnh lại với đời. Chỉ tiếc lịch sử đất nước không diễn ra như ước vọng của ông, cũng là của bao kẻ sĩ cùng thời khi “bức giư đồ” rơi vào tay giặc Pháp.
Dạy học như một định mệnh
Trong cuộc đời Nguyễn Khuyến có nhiều giai đoạn làm nghề dạy học cũng như đảm đương công việc giáo dục do triều Nguyễn giao phó. Năm 19 tuổi (1854), cha mất, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Để nuôi mẹ già thường ốm đau, anh học trò Nguyễn Khuyến bắt đầu nghề giáo với chân gia sư. Thế rồi như một định mệnh, anh học trò mở trường và gắn bó nhiều năm với nghề dạy học. Mặt khác, nghề giáo cũng thuận lợi cho việc nuôi dưỡng niềm đam mê sách vở của anh. Thế là vừa dạy học vừa đọc sách, mười năm sau (1864), Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên kì thi Hương; rồi bảy năm kế tiếp (1871) thi hội đỗ Hội nguyên, vào thi Đình đỗ Đình nguyên. Suốt 17 năm, việc dạy học ban đầu như một phương kế sinh nhai, dù không liên tục nhưng đã trở thành cái nghiệp của đời ông.
Giai đoạn thứ hai là sau khi đỗ đạt, Nguyễn Khuyến được bổ làm Đốc học tỉnh Thanh Hóa, chức quan lo việc giáo dục ở một địa phương cấp tỉnh (tương đương giám đốc sở giáo dục ngày nay). Đây là giai đoạn Nho học bước vào cảnh suy tàn. Chưa kể sự loạn lạc của thời cuộc đã làm đảo lộn các giá trị văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc. Làm một vị quan lo sự học nhưng có lẽ trong bối cảnh ấy ông không làm được gì nhiều.
Ông thú nhận:
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
(bài thơ Ngày xuân dặn các con)
Với cái tâm trong sáng của một nhà giáo, trong sự đau đớn, hỗ thẹn tột cùng khi chứng kiến sự xuống cấp của giáo dục, ông đã viết nên bài thơ Tiến sĩ giấy như là lời tố cáo đanh thép bộ mặt thật của lối giáo dục, thi cử ngày ấy:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông Nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.
Năm 1884, mới bước vào tuổi 50, quá chán ngán chốn quan trường, Nguyễn Khuyến cáo quan về quê Yên Đổ ở ẩn. Nhưng cuộc đời tiếp tục lôi kéo ông quay lại nghề dạy học. Học trò theo học rất đông. Tiếng tăm, đức độ nhà giáo Nguyễn Khuyến lan xa. Có tài liệu kể rằng năm 1902, quan Kinh Lược Bắc Kỳ lúc ấy là Hoàng Cao Khải nghe tiếng đã mời ông ra Hà Nội dạy cho con mình.
Và dạy con…
Dù đã cáo quan về nhà ẩn dật, dạy học, lòng Nguyễn Khuyến vẫn canh cánh chuyện nước non, nhân tình thế thái. Ông cũng dốc lòng vào việc dạy con để những mong con cái nên người, không hỗ thẹn với gia phong. Việc dạy con cái được Nguyễn Khuyến cô đọng lại thành 13 bài thơ dạy con, nội dung rất phong phú, từ chuyện học hành đến cách sống và ứng xử với đời. Mỗi bài thơ dạy con được coi là một bài học, một tổng kết rút ra từ chính cuộc đời ông.
Khi các con còn ở tuổi đi học, ông viết bài thơ Khuyên học, lời lẽ dung dị, sâu sắc. Mỗi câu thơ có sức nặng của cả một đời người:
Đen thì gần mực, đỏ gần son
Học lấy cho hay, con hỡi con!
Cái bút, cái nghiên là của quý
Câu kinh, câu sử ấy mùi ngon!
Vàng mua chứa để, vàng hay hết
Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn
Nhờ Phật một mai nên đấng cả
Bõ công cha mẹ mới là khôn.
Những giá trị cuộc sống theo quan điểm của ông đến nay vẫn không lỗi thời.
Khi con trai cả là Nguyễn Hoan đỗ phó bảng, được bổ làm quan tri phủ. Trước khi con nhậm chức, Nguyễn Khuyến làm thơ Thị tử Hoan (Dặn con là Hoan):
Chửa được làm quan những ước quan
Được làm mới thấy khó vô vàn
Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ
Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham!
Dốc hết bạc vàng nay túi rỗng
Hòng chi đen đỏ lúc canh tàn!
Con dù vẫn cậy thông minh đấy
Hãy chép lời cha dán trước bàn!
Bài thơ như kim chỉ nam trong cuộc sống nên ông dặn phải “dán trước bàn”. Thật khó có người cha nào chu đáo hơn!
QUANG ÂN
(Box)
Con xin tạ tội!
Nguyễn Khuyến có người con trai cả tên Nguyễn Hoan, đỗ phó bảng, được bổ làm tri phủ, dân trong vùng quen gọi Phủ Tiểu. Một lần, Phủ Tiểu về thăm bố vợ ở làng Vĩnh Trụ (nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam), không thấy hương lý, dân làng ra nghênh tiếp liền sai lính gọi lý trưởng đến đánh cho mấy roi. Chuyện đến tai Nguyễn Khuyến. Ít lâu sau, Phủ Tiểu nhân làm việc quan tiện đường rẽ về về thăm gia đình. Đến đầu làng, Phủ Tiểu thấy trong đám dân làng đón có cụ già khăn áo chỉnh tề bước ra trước võng quan chắp tay vái: “Lạy quan lớn ạ!”. Phủ Tiểu trông thấy giật mình, vội nhảy khỏi võng sụp lạy: “Con lạy cha, sao cha lại làm thế?”. Nguyễn Khuyến tảng lờ, lễ độ nói: “Nghe tin quan lớn về, tôi tuy già yếu nhưng vẫn ra đón, kẻo quan lại cho mấy roi như lý trưởng làng Vĩnh Trụ thì tôi chịu sao nổi”. Phủ Tiểu lạy rạp xuống: “Con đã không làm theo lời cha dạy. Con xin tạ tội và hứa từ nay xin chừa”.
TNT