Trung tướng Lưu Phước Lượng*
Báo chí cách mạng Việt Nam, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Gắn liền với sự phát triển trong từng giai đoạn cách mạng, nền báo chí của chúng ta đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, xây dựng đất nước vững mạnh và phồn vinh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới hiện nay.
Công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta đã, đang diễn ra sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với những thành tựu mang tính lịch sử, những thuận lợi và thời cơ mới, đan xen những khó khăn và thách thức mới không dễ vượt qua.
Đồng hành với đất nước và dân tộc, báo chí cách mạng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; kịp thời thông tin và định hướng dư luận; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, những mô hình mới… phê phán, đấu tranh những biểu hiện sai trái, tiêu cực… trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại… của đất nước. Đặc biệt trong hơn 10 năm gần đây, báo chí đã thể hiện rõ, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh với những sai trái, tiêu cực trong quá trình Đảng ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đi liền với chủ trương phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang ở thời điểm quyết liệt hiện nay.
Qua đó đã góp phần hoàn thiện những chủ trương và quyết sách lớn của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của nền báo chí Việt Nam, những kết quả đạt được trong thời gian qua, báo chí theo tôn chỉ, mục đích của từng bản báo, từng loại hình báo, từng đối tượng phục vụ và mục đích hoạt động cụ thể, cần bám sát thực tiễn hơn nữa, phải gần dân, sát dân hơn nữa để đi vào cuộc sống, đi sâu nghiên cứu phát hiện đúng tâm trạng của quần chúng nhân dân, và như vậy mới thực sự thuyết phục đi vào lòng người.
Đây là một yêu cầu không mới, nhưng cực kì quan trọng, nếu chúng ta nhìn lại, bên cạnh kết quả rất đáng trân trọng, nền báo chí của chúng ta cũng đã “hụt hơi” trước những khó khăn và thách thức mới hiện nay.
Chúng ta đã có luật báo chí, cơ sở pháp lý thuận lợi để những người làm báo tác nghiệp. Song thực tế cuộc sống đang diễn ra nhiều biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” của không ít cán bộ, đảng viên, đã và đang tạo ra một “môi trường ô nhiễm” trong các tầng lớp xã hội với những vụ đại án, vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng do những sa ngã trước sự ham muốn vật chất, tiền tài danh vọng, vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát và giám sát người cán bộ, đảng viên trước hết là một công dân của luật pháp chưa đạt yêu cầu nghiêm ngặt; phần lớn những sai phạm được phát hiện qua người khác vi phạm, bị xử lý hình sự khai báo. Thực tế này cho thấy chưa có sự đồng hành chặt chẽ giữa yêu cầu “đức trị” và “pháp trị”.
Trước thực trạng nêu trên báo chí tuy đã có những đóng góp tích cực, quan trọng nhưng chưa tỏ rõ được vai trò bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu và phát hiện. Hạn chế này có thể có yếu tố “giới hạn” của luật pháp. Chắc rằng, cần có thêm một “đặc quyền” trong phạm vi có thể của luật, để báo chí và người làm báo có điều kiện đi sâu nghiên cứu, phát hiện sớm những nhân tố mới tích cực, đặc biệt là những sai trái tiêu cực để định hướng dư luận và “đánh động” cơ quan công quyền. Đây là một yêu cầu thực tế cần được quan tâm để báo chí và những người làm báo tác nghiệp tốt hơn, với thái độ cẩn trọng, thẳng thắn, trung thực, không động cơ cá nhân để có thông tin kịp thời và chính xác.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng vừa bị khởi tố, những đại án đã và đang được xét xử với những sai phạm diễn ra trong thời gian dài, thậm chí hàng chục năm, đến nay mới được phát hiện và xử lý. Đương nhiên, diễn biến này có trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các chuyên ngành của Đảng và Nhà nước. Song báo chí và những người làm báo của chúng ta, cũng cần có đôi điều suy ngẫm.
Để phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí Cách mạng Việt Nam góp sức tích cực hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xứng đáng với sự tin cậy và trân trọng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí và những người làm báo, mãi mãi ghi nhớ những giáo huấn của Bác Hồ: Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trao dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Và người còn khẳng định: Người làm báo Việt Nam là những chiến sĩ tiên phong hết lòng vì nước, vì dân.
TP Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2024