NHỚ NHÀ BÁO PHÚ BẰNG

ĐẠI TÁ TRẦN THẾ TUYỂN (Nguyên Trưởng Ban Đại diện phía Nam báo QĐND) 

MỘT

Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm

Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam. Nhưng mãi đến cuối năm 1988, khi được điều về Ban Đại diện phía Nam báo QĐND đóng quân tại toà nhà 63 Lý Tự Trọng TP HCM, tôi mới trực tiếp được sống và làm việc cùng bác Phú Bằng. Một buổi sáng, nhà báo Phạm Đình Trọng, lúc ấy là Phó trưởng

Ban Đại diện, giới thiệu tôi với một “ ông cụ “ có dáng người nho nhã, khuôn mặt xương xương, mái tóc hoa râm đậm màu sương gió: “ Đây là bác Phú Bằng, gạo cội của làng báo Quân đội chúng ta” .  Nhà báo Phú Bằng bắt tay tôi. Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là bàn tay mềm, ấm. Từ hôm ấy, mỗi khi anh em bàn chuỵện nghề nghiệp, anh Trọng thường lấy bác Phú Bằng ra làm gương.

“Ý tại ngôn ngoại” là một thương hiệu trong các bài viết của nhà báo-chiến sĩ Phạm Phú Bằng. Người đọc không thể lướt qua khi đọc bài kí tên Phú Bằng hoặc Phạm Hồi (phu nhân), Phạm Hồng (con gái); đằng sau các con chữ, thường tác giả gửi gắm điều gì đó rất hệ trọng. Sự thâm thúy trong bài bắt nguồn từ tầng kiến thức vừa rộng vừa sâu của bác. Cái cách bác Bằng lấy tài liệu đã khiến ta giật mình. Anh Trọng kể rằng, có lần anh trực cơ quan, khoảng 4 giờ nghe tiếng gõ cửa. Cửa mở, bác Phú Bằng đứng đó, khắp người toát ra hơi lạnh phong trần. Bác nhỏ nhẹ xin cơ quan một tấm chăn chiên cũ để cho thằng bé đầu xanh gió bụi bến Bạch Đằng. Thì ra trắng đêm qua bác cùng thằng bé bụi đời dốc bầu tâm sự. Và khi trời hửng đông, thằng bé chỉ xin bác tấm chăn chiên, mà là chăn cũ kẻo bọn đại ca giang hồ trấn lột!

Một nhà báo tiền bối, bậc thầy của nhiều thế hệ nhà báo chiến sĩ, nhưng bác Phú Bằng sống thật giản dị, gần gũi mọi người. Tôi nhớ,  sau bữa cơm chiều của lính, bên bình trà dưới tán cây trong sân 63 Lý Tự Trọng, bác Phú Bằng rỉ rả kể cho chúng tôi nghe các chuyến công tác, lấy tư liệu viết báo. Để có những bài phóng sự đậm hơi thở cuộc sống, bác Phú Bằng nhập vai thật tinh tế. Bác kể, bác đã ngủ chung với những người cơ nhỡ, bụi đời dưới chân cầu Thị Nghè, nơi bác đã từng có mặt cùng bộ đội ta chiến đấu để lấy tư liệu viết bài. Và, mùa xuân Mậu Thân 1968 nữa, bác Phú Bằng cùng các nhà thơ, nhà văn :Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Thanh Giang, Võ Trần Nhã…theo các cánh quân tiến vào Sài Gòn. Đặc biệt, những ngày trong tổ công tác Liên hiệp quân sự bốn bên trong trại Davit Tân Sơn Nhất trước ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đúng lúc tôi viết bài này, một người cùng tham gia chiến dịch Mậu Thân với bác Phú Bằng mùa xuân 1968 gọi điện cho tôi. Đó là Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Chính uỷ Quân khu 9, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Khi biết tin bác Phú Bằng về với tổ tiên, đồng đội, Trung tướng Lượng nói, tết Mậu Thân 1968, tôi có may nắm phục vụ Tư lệnh Phân khu một Nguyễn Thế Truyện ( Năm Sài Gòn ) nằm cùng hầm với nhà báo Phú Bằng tại cánh Tây Bắc Sài Gòn. Đó là một nhà báo chiến sĩ. Ông cùng chúng tôi chiến đấu và bị thương như một chiến sĩ cầm súng thực sự.

Chỉ chừng ấy thôi tôi đã thấy bác Phú Bằng hiện lên như một nhà báo chiến sĩ Lớn, thần tượng của lớp phóng viên trẻ chúng tôi.

HAI 

Nhưng đó mới chỉ là” phần nổi của tảng băng chìm “ Phạm Phú Bằng. Cuộc đời của ông như một thiên tiểu thuyết với sự thăng trầm, cống hiến và dấn thân.

Sau này, tôi mới biết nhà báo Phạm Phú Bằng dòng dõi nhà nòi văn hoá. Ông là con trai cụ Phạm Phú Tiết, từng đỗ thủ khoa kì thi cử nhân triều nhà Nguyễn; là hậu duệ của Thượng thư Bộ Hộ Phạm Phú Thứ, một nhà thơ dưới thời Tự Đức .

Con cháu dòng dõi “nhà nòi “

ấy đã xếp bút nghiên tham gia kháng chiến. Bác Phạm Phú Bằng là một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên của báo QĐND tiền phương ở mặt trận Điện Biên Phủ cách nay tròn 70 năm.

Cách đây vài năm, nhân dịp báo Quân giải phóng MN được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, chúng tôi có tổ chức tập sách “ Từ báo Quân giải phóng đến báo Quân khu 7”. Bác Phú Bằng gửi cho chúng tôi những bài báo ngồn ngộn tư liệu lịch sử. Đã quý trọng, đọc xong các bài báo ấy, chúng tôi càng ngưỡng mộ sự cống hiến, hy sinh vô tư của thế hệ vàng nhà báo chiến sĩ, trong đó có bác Phạm Phú Bằng.

BA

Mới đây có dịp ra Thủ đô công tác, tôi ghé thăm bác Phú Bằng. Vẫn nụ cười hiền từ, thân thuộc, bác hỏi thăm các cựu phóng viên báo Quân giải phóng và báo Quân khu 7. Bác Phú Bằng không quên những kỷ niệm một thời ở Ban Đại diện báo QĐND đóng trụ sở tại toà nhà 63 Lý Tự Trọng TP HCM. Nhắc đến chiến trường Miền Đông Nam bộ với những tên đất, tên người, đôi mắt người lính già suốt đời theo Đảng, làm báo QĐND rớm lệ. Tôi biết nhà báo Phạm Phú Bằng còn nặng duyên nợ với mảnh đất mà “ mấy lần ông suýt chết “. Bác Bằng day dứt nhất  là không được ghé thăm mẹ dù trong giây lát, nhất là mỗi lần qua cầu Thị Nghè…

Từ miền Nam xa xôi, tôi không thể ra Thủ đô tiễn bác Phú Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng. Bài viết nhỏ này thay nén tâm nhang viếng bác- nhà báo Phú Bằng, một trong những thần tượng của những người lính Cụ Hồ cầm viết chúng tôi !

TP HCM, đêm 18/3/2024