Những điều suy ngẫm qua phát biểu của đồng chí Tổng bí thư

Trung tướng Lưu Phước Lượng – nguyên Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

Trung tướng Lưu Phước Lượng – nguyên Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

Dư luận băn khoăn về số cán bộ, đảng viên của chúng ta sai phạm, vi phạm kỷ luật, pháp luật quá nhiều! Đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Kể cả cán bộ chủ chốt của Đảng và nhà nước.

Những người có thái độ bi quan. Cho rằng, quy hoạch đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng của Đại hội 13 đã bị đảo lộn nghiêm trọng, nếu nhìn vào diễn biến tình hình và số liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung Ương cũng như Uỷ ban kiểm tra Trung Ương.

Hệ luỵ dễ thấy nhất là: việc bố trí đội ngũ cán bộ ở các cấp rơi vào tình thế bị động không theo quy hoạch, kéo theo việc quy hoạch tiếp theo gặp rất nhiều khó khăn.

Điều này rõ ràng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của guồng máy lãnh đạo, quản lý của Đảng và nhà nước ở các cấp trên mọi lĩnh vực…

Với thái độ khách quan và bình tĩnh chúng ta phải thừa nhận có hiện tượng cán bộ, đảng viên trong những  nhiệm kỳ gần đây bộc lộ nhiều sai phạm, khuyết điểm hơn trước, cái chính là do chủ trương củng cố,  xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cùng công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực được đẩy mạnh với thái độ kiên quyết: “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, “không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào”! “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.  Mặc khác, kinh tế – xã hội phát triển trong điều kiện của nền kinh tế thị trường đang từng bước được hoàn thiện, bên cạnh mặt tích cực, mặt trái, tiêu cực cũng lớn dần và có những phức tạp mới với những “viên đạn bộc đường” “sẵn sàng” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh đang trên đà suy thoái.

Nhiều cán bộ, đảng viên đã bày tỏ thái độ hết sức chân thành và tâm huyết: “Nếu Trung Ương không kiên quyết, không quyết liệt như vừa qua và hiện nay, thì sự tồn vong của Đảng và chế độ sẽ không biết như thế nào?”. Tham nhũng, tiêu cực bủa vây khắp nơi ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Kể cả những nơi “linh thiêng” nhất.

Từ thực tiễn nêu trên, cần khẳng định, phải tiếp tục đẩy mạnh, giữ vững những thành quả đã đạt được trong chủ trương củng cố xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn liền với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC) hiện nay.

Trong phát biểu mới đây, ngày 14 tháng 8 năm 2024 của Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên họp của Ban chỉ đạo PCTNTW, đồng chí khẳng định: phòng chống tham nhũng tiêu cực “phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế xã hội”. Chỉ đạo trên đây, không chỉ là vấn đề tạo ra những giải pháp cụ thể để bảo vệ guồng máy hoạt động của Đảng, nhà nước ở các cấp với những cán bộ, đảng viên, viên chức trách nhiệm và tâm huyết thực hiện 6 dám; khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết định và trên thực tế phần nào đã gây ắc trách, tê liệt bộ máy nhà nước của chúng ta.

Đây là thực trạng diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực với những mức độ khác nhau. Sự chỉ đạo của Tổng bí thư cũng đã phản ánh thực trạng của diễn biến này.

Một vấn đề nữa cũng vô cùng hệ trọng, trong khắc phục từng bước hiện tượng “cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật quá nhiều”. Xử lý nghiêm là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để công tác xây dựng, củng cố Đảng và hệ thống chính trị gắn với công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực được trọn vẹn, đạt kết quả tối ưu . Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến phương châm và mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong xây dựng, củng cố Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó xác định xây là cơ bản, lâu dài; chống là khẩn trương, cấp bách.

Ở đây, cần phân tích, trao đổi kỹ, yếu tố “xây”. Từ trước đến nay, trong công tác xây dựng Đảng, chúng ta luôn coi trọng và đề cao “tính tự giác” của người cán bộ, Đảng viên, xem đây là động lực tinh thần thiêng liêng, cái “cốt lõi, nền tảng” để người cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Đây là sự đúc kết lâu dài của quá trình xây dựng Đảng của Đảng ta,  hoàn toàn phù hợp với giai đoạn Đảng  lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc… Song khi đất nước đã chuyển sang giai đoạn mới, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm:  phát triển kinh tế, với đặc điểm vô cùng phức tạp  của nền kinh tế chuyển đổi, từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực là mặt trái với nhiều tiêu cực trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội… trong đó tham nhũng, tiêu cực đã trở nên nghiêm trọng và nhức nhói trong Đảng ta nói riêng và cả đất nước nói chung. Và chúng ta hiểu, chính từ nguyên nhân này đã ra đời cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Trung ương và các địa phương…

Sa vào tham nhũng, tiêu cực, người cán bộ, đảng viên.. Không còn trung thực với Đảng, tính tự giác và tư cách trong sáng không còn nữa. Trong khi sự kiểm soát và giám sát của tổ chức Đảng đối với cán bộ, đảng viên vẫn dựa trên tinh thần tự giác trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức, những điều quy định của Đảng đã xác định… Về mặt nhà nước, cơ chế, luật lệ, những yếu tố của “pháp trị” để kiểm soát, giám sát, quản lý người cán bộ, đảng viên trước hết là một công dân vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa phát huy đầy đủ tác dụng. Đây là một lổ hỏng, dẫn đến tác hại: Tổ chức Đảng không hiểu rõ được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân không giám sát được cán bộ. Chúng ta dễ bị bất ngờ!

Trong xây dựng Đảng, rõ ràng yếu tố “pháp trị” chưa đạt được hoàn thiện để kết hợp chặt chẽ với yếu tố “đức trị”. Phải khắc phục tình hình này để nhữung người sắp “nhúng chàm” “không thể” và “không dám” tham nhũng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tích cực xây dựng hoàn thiện thể chế “ phòng chống tham nhũng tiêu cực”, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, và thu nhập của người có chức, có quyền khắc phục bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách… góp phần tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hạn chế những điều kiện dẫn đến lợi dụng tham nhũng tiêu cực.

Song, đây là một tiến trình khó khăn, phức tạp và lâu dài, phải có thời gian, nhưng nhất định phải vượt qua để luật pháp được hoàn thiện. Qua đó mới có thể kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa “pháp trị” và “đức trị”, làm cho yếu tố “xây” trong công tác xây dựng Đảng phát triển vững chắc tham nhũng, tiêu cực giảm đi, các tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch vững mạnh, guồng máy của Đảng và Nhà nước hoạt động hiệu quả trên mọi lĩnh vực; nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội có điều kiện phát triển như đồng chí Tổng bí thư đã xác định.

TP Hồ Chí Minh, Ngày 23 tháng 8 năm 2024