Thiết kế kế hoạch bài giảng theo tiếp cận năng lực trong giáo dục nghề nghiệp

Tác giả: Huỳnh Thị Mỹ Hạnh*

Received: 02/05/2025; Accepted: …./05/2025; Published: 20/05/2025

Abstract: This article presents a competency-based approach to lesson planning in vocational education, emphasizing the integration of theoretical knowledge and practical skills to meet labor market demands. Through systematic analysis of objective setting, content development, teaching methodologies, and assessment strategies, the study proposes a four-stage integrated instructional model: (1) Defining learning outcomes aligned with occupational requirements, (2) Designing instructional activities, (3) Implementing multi-method teaching approaches, and (4) Conducting competency-based evaluations. The research findings demonstrate that this competency-based framework significantly enhances training quality and promotes comprehensive professional skill development for vocational learners.

Keywords: Vocational education, competency-based approach, lesson planning, competency assessment

1  Mở đầu

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, phương pháp dạy học truyền thống tập trung vào truyền thụ kiến thức đơn thuần đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa chú trọng phát triển năng lực thực tiễn cho người học. Tiếp cận năng lực trong thiết kế bài giảng là giải pháp tối ưu, giúp gắn kết đào tạo với thực tiễn nghề nghiệp thông qua việc xác định rõ mục tiêu đầu ra, phương pháp dạy học tích cực và công cụ đánh giá toàn diện.

2  Nội dung nghiên cứu

2.1. Tiếp cận năng lực trong GDNN

Năng lực bao hàm kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân để thực hiện nhiệm vụ có kết quả trong ngữ cảnh cụ thể của cuộc sống, học tập và công việc.

Dạy học tiếp cận năng lực là tiếp cận phát triển chương trình đào tạo, tổ chức hoạt động dạy, hoạt động học và đánh giá tập trung vào sự thể hiện kết quả học tập của người học và đạt được trình độ thành thạo các năng lực cụ thể trong từng môn học/mô đun.

Theo thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH, ngày 19 tháng 02 năm 2024, năng lực nghề nghiệp bao gồm (Năng lực cơ bản- Năng lực cốt lõi- Năng lực nâng cao):

Năng lực cơ bản (năng lực chung)

Định nghĩa: Những năng lực nền tảng cần thiết cho mọi nghề nghiệp và cuộc sống.

Đặc điểm: Không phụ thuộc vào chuyên ngành cụ thể. Hình thành từ giáo dục phổ thông và rèn luyện cá nhân.

Năng lực cốt lõi (năng lực chuyên môn)

Định nghĩa: Nhóm năng lực đặc thù của một ngành, nghề/lĩnh vực cụ thể.
Đặc điểm: Quyết định khả năng hành nghề, được chuẩn hóa theo khung trình độ quốc gia.

Năng lực nâng cao

Định nghĩa: Năng lực chuyên sâu, mang tính đột phá trong nghề nghiệp.
Đặc điểm: Yêu cầu kinh nghiệm hoặc đào tạo bổ sung, tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động.

2.2. Thiết kế kế hoạch bài giảng

Dạy học theo quan điểm tích hợp phải coi mỗi bài dạy là một chỉnh thể thống nhất, trọn vẹn và hoàn chỉnh về nội dung nhằm từng bước thực hiện các mục tiêu của mô đun/môn học.  Do vậy, khi thiết kế kế hoạch bài giảng cần bám sát các nguyên tắc: Lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện để học sinh phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo và vận dụng kiến thức vào thực tế. Tích hợp kiến thức, kỹ năng và mức độ tự chủ và trách nhiệm (Kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực hành, tức là dạy lý thuyết chuyên môn liên quan đến đâu sẽ dạy đến đó và được thực hành gắn liền với công việc ngay trong cùng không gian, thời gian trong bài học). Gắn bài học với thực tiễn (Bài giảng cần có tính ứng dụng, giúp học sinh biết cách vận dụng kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm vào cuộc sống). Đánh giá đa chiều (là phương pháp đo lường năng lực người học thông qua nhiều công cụ, góc độ và thời điểm khác nhau, kết hợp cả định lượng (số hóa) và định tính (mô tả chất lượng). Mục tiêu là phản ánh toàn diện về kiến thức, kỹ năng; mức độ tự chủ và trách nhiệm).

Căn cứ vào quan điểm, nguyên tắc dạy học tích hợp và mẫu giáo án tích hợp theo hướng tiếp cận năng lực, các nội dung bài giảng tích hợp được cấu trúc theo tiến trình sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu bài giảng

Mục tiêu bài giảng được xác định trên cơ sở từ chuẩn đầu ra từ khung năng lực nghề nghiệp (NLNN) của từng vị trí việc làm sau khi ra trường.

(1) Mục tiêu phải bắt đầu bằng 1 động từ chỉ hành động. Tránh sử dụng các từ chỉ trạng thái, như: “hiểu”, “nắm”, “biết”, “có” khi viết mục tiêu.

(2) Mục tiêu phải có tiêu chí để đo (tiêu chí về kỹ thuật, mỹ thuật, sự an toàn, và thời gian thực hiện…)

(3) Mục tiêu phải phân định rõ mức độ đạt được nội dung kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm (dựa vào các mức độ mục tiêu nhận thức, các mức độ mục tiêu kỹ năng, các mức độ mục tiêu về mức độ tự chủ và trách nhiệm)

Bước 2: Xác định các năng lực thành tố trong bài giảng

Năng lực thành tố là những phần hợp thành năng lực, là khả năng thực hiện được các công việc hoặc phần công việc của nghề theo các tiêu chuẩn đặt ra.

Một năng lực thành tố gắn với một tình huống nghề nghiệp và được thực hiện thông qua một quy trình nhất định, kết quả sẽ tạo ra một sản phẩm cụ thể hoặc một phần sản phẩm.

Dựa vào mục tiêu của bài, chương trình mô đun và thực tiễn nghề nghiệp để xác định các năng lực thành tố của bài dạy;

Một năng lực thành tố gắn với 01 quy trình thực hiện, kết quả sẽ tạo ra một sản phẩm cụ thể hoặc một phần sản phẩm.

Dựa vào tính chất của các năng lực thành tố để xây dựng phương án “tích hợp theo bài” hoặc “tích hợp từng năng lực thành tố”.

Bước 3: Xác định các kiến thức liên quan của các năng lực thành tố

Chỉ xác định những kiến thức vừa đủ, liên quan đến từng năng lực thành tố (dựa vào chương trình, giáo trình, tài liệu chuyên ngành)

Sử dụng từ ngữ tường minh mô tả chi tiết các kiến thức liên quan.

Bước 4: Xác định trình tự thực hiện các năng lực thành tố

Xác định các bước thực hiện các năng lực thành tố (các bước không nên quá ngắn hoặc quá dài)

Sắp xếp các bước thực hiện theo một trình tự hợp lý

Mô tả các bước gồm: Phương pháp thực hiện, tiêu chuẩn thực hiện, hình ảnh minh họa, xác định các dụng cụ, thiết bị và phương tiện, các vấn đề an toàn khi thực hiện các bước

Xác định các sai phạm thường gặp, nguyên nhân, cách phòng và khắc phục khi thực hiện các năng lực thành tố.

Bước 5: Xác định nhiệm vụ thực hành/luyện tập

Căn cứ mục tiêu của bài học, điều kiện về cơ sở vật chất, vật tư thực hành nhà giáo xác định nhiệm vụ thực hành cho người học; bao gồm các nội dung sau:

– Xác định nhiệm vụ/tình huống thực hành đối với cá nhân

– Xác định các yêu cầu về kỹ thuật, về an toàn, vệ sinh,… khi thực hành;

– Xác định thời gian thực hiện.

– Xây dựng các phiếu dạy học như: phiếu hướng dẫn luyện tập: gồm: Tên bài học, ngày thực hiện, tên lớp, bước công việc, phương pháp thực hiện, tiêu chuẩn kỹ thuật, hình ảnh minh hoạ, phương tiện sử dụng, lưu ý an toàn khi thực hiện bước công việc. Phiếu đánh giá kết quả thực hành gồm các nội dung: Tên bài, tên người thực hiện, nội dung đánh giá, tiêu chí đánh giá, bằng chứng, phương pháp đánh giá,…

Bước 6. Xác định các điều kiện phục vụ bài giảng và phương pháp giảng dạy.

– Chuẩn bị các điều kiện phục vụ bài giảng: Phòng học/phòng thực hành; trang thiết bị/dụng cụ/vật tư; phương tiện dạy học; giáo trình phục vụ đào tạo.

– Xác định các phương pháp dạy học tương ứng với nội dung cụ thể trong “hoạt động của nhà giáo” và “hoạt động của học sinh”

– Xác định thời gian cho mỗi nội dung của giáo án; việc xác định thời gian thực hiện giáo án cần chú trọng thời gian thực hiện dạy và học các tiểu kỹ năng.

2.3. Thiết kế bài giảng tích hợp

2.3.1. Tên bài dạy

2.3.2. Mục tiêu của bài: bao gồm

Kiến thức: Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết

Kỹ năng(KN): KN nhận thức, KN thực hành nghề nghiệp và KN giao tiếp, ứng xử.

Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, KN để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn)

2.3.3. Xác định nội dung bài học

– Xác định kiến thức lý thuyết liên quan đến từng năng lực thành tố.

– Xác định kỹ năng thực hành của từng năng lực thành tố.

2.3.4. Đồ dùng và trang thiết bị dạy học

Đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện dạy học, dụng cụ, vật tư và tài liệu cần thiết cho nhà giáo và người học thực hiện nội dung bài học.

2.3.5. Hình thức tổ chức dạy học

(I). Ổn định lớp: Kiểm tra sĩ số lớp, kiểm tra các điều kiện dạy học, nhận xét chung về ý thức và thời gian cho nội dung này.                            

(II). Thực hiện bài học                      

(1). Dẫn nhập

– Nội dung dẫn nhập cần ghi rõ nội dung của ý tưởng dẫn nhập (một tình huống thực tế, bối cảnh dẫn đến thực hiện kĩ năng, một câu hỏi, hình ảnh,…)

– Hoạt động của nhà giáo: Mô tả tình huống, hướng dẫn người học quan sát….đặt câu hỏi…chuyển tiếp giới thiệu chủ đề bài học.

Hoạt động của người học: Tiếp nhận tình huống bài học, quan sát hình ảnh theo hướng dẫn của nhà giáo, trả lời câu hỏi.

(2) Giới thiệu chủ đề

– Nội dung: Giới thiệu tên bài học, mục tiêu, nội dung bài học

– Hoạt động của nhà giáo tương ứng Giới thiệu tên bài học, mục tiêu và nội dung bài học

– Hoạt động của người học: Ghi nhớ mục tiêu, nội dung bài học.

(3) Giải quyết vấn đề

(3.1) Lý thuyết liên quan NL thành tố (xác định lí thuyết liên quan trực tiếp, cần thiết nhất cho việc học kĩ năng)

– Hoạt động của nhà giáo: xây dựng các hoạt động của nhà giáo khi trình bày nội dung lý thuyết liên quan

– Hoạt động của người học: Xây dựng các hoạt động người học phải làm gì để lĩnh hội kiến thức liên quan

(3.2). Trình tự thực hiện

(3.2.1). Chuẩn bị các điều kiện thực hiện

– Hoạt động của nhà giáo: Nhà giáo nêu các điều kiện để thực hiện trình tự.

– Hoạt động của người học: Kiểm tra điều kiện để thực hiện trình tự.

(3.2.2). Trình tự/quy trình thực hiện (các bước thực hiện)

– Nội dung: Giới thiệu, giải thích quy trình công nghệ, (quy trình hướng dẫn thực hiện kĩ năng)

– Hoạt động của nhà giáo: Xây dựng các hoạt động của nhà giáo khi hướng dẫn trình tự thực hiện /quy trình thực hiện

– Hoạt động của người học: Xây dựng hoạt động người học phải làm gì để lĩnh hội kiến thức liên quan.

(3.2.3). Một số sai hỏng thường gặp, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh/ khắc phục

– Hoạt động của nhà giáo: Giới thiệu và phân tích các sai sót thường gặp kết hợp trực quan bằng hình ảnh. Hướng dẫn biện pháp phòng tránh/ khắc phục

– Hoạt động của người học: Quan sát nhận diện các sai sót thường gặp, phối hợp cùng giảng viên phân tích và tìm kiếm các nguyên nhân dựa trên hình ảnh trực quan. Quan sát và nghe giảng để nhận biết biện pháp khắc phục

(3.2.4). Làm mẫu (tuỳ thuộc tính chất của bài học, mô đun để nhà giáo lựa chọn được kĩ năng/bước công việc mới để trình diễn phù hợp giúp người học lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm.

(3.2.4.1). Trình diễn lần 1 chậm có giải thích:

– Hoạt động của nhà giáo: Trình diễn…, kết hợp giải thích, truyền đạt kinh nghiệm. Nhấn mạnh các yêu cầu cần đạt và các lỗi dễ sai hỏng.

– Hoạt động của người học: Quan sát, ghi nhớ.., tham gia vào cuộc trình diễn khi có yêu cầu của nhà giáo. Theo dõi quy trình, hỗ trợ nhà giáo…

(3.2.4.2). Trình diễn lần 2 nhanh không giải thích:

– Hoạt động của nhà giáo: Trình diễn nhanh, không giải thích

– Hoạt động của người học: Quan sát, ghi nhớ.

(3.3). Thực hành

– Hoạt động của nhà giáo: Phân công nhiệm vụ và bố trí vị trí thực hành.

– Hoạt động của người học: Nhận nhiệm vụ và ổn định vị trí thực hành.

(3.3.1) Thực hành có hướng dẫn

– Hoạt động của nhà giáo: Quan sát, đôn đốc, uốn nắn, giúp đỡ người học, ghi thông tin về quá trình thực hành của người học, nhận xét.

– Hoạt động của người học: Chuẩn bị thực hành dưới sự hướng dẫn, uốn nắn của nhà giáo; tiếp thu, khắc phục những sai sót nếu có.

(3.3.2) Thực hành độc lập (có đánh giá)

– Hoạt động của nhà giáo: Phát phiếu đánh giá thực hành và hướng dẫn sử dụng phiếu cho người học, quan sát, ghi vào phiếu đánh giá; nhận xét quá trình thực hành của người học dựa vào phiếu đánh giá,..

– Hoạt động của người học: Người học thực hành tiếp thu, rút kinh nghiệm; nhận phiếu đánh giá.

(4) Kết thúc vấn đề

– Nội dung: Củng cố kiến thức; Củng cố kỹ năng, rèn luyện (Nhận xét kết quả rèn luyện lưu ý các sai sót và cách khắc phục, gợi ý các hoạt động tiếp theo). 

– Hoạt động của nhà giáo: Lượng giá nhanh bằng các câu hỏi trắc nghiệm ngắn; nhận xét, đánh giá kết quả thực hành, phát phiếu đánh giá kết quả thực hành.

– Hoạt động của người học: Tham gia làm bài trắc nghiệm ngắn; liên hệ bản thân, nhận phiếu đánh giá kết quả thực hành; nhận nhiệm vụ.

(5) Hướng dẫn tự học

– Nội dung: Giới thiệu nội dung bài kế tiếp; tài liệu tham khảo

– Hoạt động của nhà giáo: Giới thiệu bài học kế tiếp, tài liệu, nguồn tham khảo, hướng dẫn tự học trước bài học và ôn tập củng cố bài đã học.

– Hoạt động của người học: Ghi nhận thông tin

(III) Rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện: Nội dung dạy học, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, thời gian.

Kết luận

Dạy học theo định hướng năng lực thực hiện là sự thành thạo công việc được xác định sau khi kết thúc quá trình học tập. Dạy học tích hợp trong giáo dục nghề nghiệp là định hướng, hướng dẫn, tổ chức cho người học học cách kết hợp nguồn nội lực (kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của cá nhân) và ngoại lực (điều kiện và bối cảnh thực hiện thao tác/công việc) để thực hiện/giải quyết những tình huống nghề nghiệp cụ thể nhằm hình thành và phát triển năng lực (NL) chung, NL cốt lõi và NL nâng cao. Trong thiết kế kế hoạch bài giảng cần xác định rõ năng lực đầu ra gắn với yêu cầu nghề nghiệp, kết hợp đa dạng phương pháp giảng dạy và công cụ đánh giá toàn diện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực người học.

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Hữu Hợp (2021). Chuyên đề lý luận về dạy học tích hợp. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

(2) Dương Thị Kim Oanh (2024). Tài liệu tập huấn “Phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng tiếp cận NL”. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh.

(3) Tổng cục dạy nghề (2015). Tài liệu bồi dưỡng về biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp. Hà Nội: Tổng cục dạy nghề.

(4) Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

(5) Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH ngày 19/02/2014 quy định quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

* KS Trường Cao đẳng Kon Tum