Tag: Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trao đổi văn hóa
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt văn hoá ở vị trí hàng đầu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”(1). Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, được hình thành trong cái nôi văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong quá trình Người đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO đã công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”(2), đây là niềm tự hào lớn lao của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Ngay từ khi hoạt động cách mạng ở Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã sớm tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin trong đó có nội dung về văn hóa, Người đã vạch trần chính sách ngu dân mà chủ nghĩa thực dân áp đặt đối với các dân tộc thuộc địa; chính sách này khiến cho các dân tộc thuộc địa chìm trong mụ mị, u mê để chúng dễ bề cai trị. Nhằm giúp các dân tộc thuộc địa đang bị áp bức nhận biết, thức tỉnh, mở ra ánh sáng tìm đường cứu nước, không có con đường nào khác, đó là phải nhận thức được đất nước, dân tộc mình đang bị thực dân đô hộ, nền văn hóa của mình bị áp đặt, thay thế – Năm 1922, Người đã sáng lập và là chủ bút của tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc, bắt nguồn từ ý thức yêu cầu phải bảo vệ bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc, mới đến đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Ngày 8/9/1945, ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đã thành lập Nha bình dân học vụ để chống giặc dốt, xóa mù chữ cho nhân dân, xây dựng, củng cố nền văn hóa dân tộc. Dân tộc nào mất gốc văn hóa thì dân tộc đó tự đánh mất độc lập, tự do, “xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”(3). Người cho rằng, càng nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin thì càng phải coi trọng những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phải biết giữ gìn truyền thống văn hoá quý báu của dân tộc, phát huy tính tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phong tục tập quán lạc hậu.
Theo Bác, văn hoá của 54 dân tộc ở nước ta có màu sắc đặc trưng riêng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng đó là sự giao lưu hoà nhập, thúc đẩy sự phát triển, làm cho văn hóa của mỗi dân tộc càng phong phú hơn trong cái chung của văn hóa Việt Nam. Người cho rằng “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”(4). Bác luôn đề cao tính kế thừa, bảo tồn truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại một cách toàn diện, trong đó có các tư tưởng tiến bộ của các nhà văn hóa lớn trên thế giới, là để xây dựng, làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam. Chính vì thế phải lấy văn hóa dân tộc làm gốc; không bảo thủ, mà phải vừa giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc dân tộc, đó là nền tảng vững chắc để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, “Văn hoá của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”(5) .
Đường lối của Đảng ta về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
Trong văn kiện các kỳ đại hội, Đảng ta luôn xác định, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trong nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của khoa học công nghệ, con người và những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam cũng bị tác động, ảnh hưởng, bên cạnh những nhân tố tích cực thúc đẩy nền văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, cũng phát sinh các nhân tố tác động xấu đến các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong suốt quá trình xây dựng CNXH ở nước ta, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, là nền văn hóa đa dạng và phong phú của tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Tính phong phú đa dạng đó được vun đắp, củng cố suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, biểu hiện cụ thể ở ở tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết gắn bó các dân tộc anh em, tương thân tương ái giữa người với người, tình cảm gia đình, tinh yêu quê hương, yêu Tổ quốc, tinh thần lao động hăng say sáng tạo, lối sống giản dị… Những giá trị văn hóa này của đất nước ta đã được minh chứng, được các dân tộc trên thế giới đánh giá cao. Hiện nay tại các trường đại học ở Việt Nam, ngày càng nhiều sinh viên quốc tế theo học các ngành khoa học xã hội, nghiên cứu văn hóa, con người Việt Nam.
Yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong tình hình mới
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH yêu cầu “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ;… Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại… Phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hoá…”(6).
Nghị quyết trung ương 9, khóa XI của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đã nhấn mạnh nhiệm vụ “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng và tình hình phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua, tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(7).
Như vậy, Đảng ta đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước nói chung và văn hoá nói riêng qua các thời kỳ cách mạng. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể đứng ngoài cuộc. Trao đổi, hợp tác, cạnh tranh vì lợi ích quốc gia trên các lĩnh kinh tế, chính trị, xã hội; các hoạt động giao lưu ngoại giao văn hóa nhằm tạo ảnh hưởng của các quốc gia là tất yếu. Chúng ta cần phải học tập, nắm vững, hành động theo tư tưởng Hồ Chí Minh để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển văn hóa nước ta theo hướng hòa nhập không hòa tan, hiện đại, phù hợp với xu thế, có sức hút, lan tỏa, được các dân tộc trên thế giới trân trọng đánh giá cao./
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thịnh
Giảng viên Khoa Giáo dục Cơ sở – Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương VI, 189 Kinh Dương Vương, Phường 12, Quận 6, TP.HCM
Tài liệu nghiên cứu:
(1) Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11-1946
(2) UNESCO, Nghị quyết 24C/1865, 1990
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.173.
(4) Hồ Chí Minh: Về văn hoá. Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, 1997, tr.350.
(5) Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, tr.516-517.
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, Hà Nội, 2016, tr.126