Tag: Tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập suốt đời, tự học, xã hội học tập, học tập chính trị, bản sắc văn hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm căn dặn các thế hệ, học tập, rèn luyện là việc làm hàng ngày và suốt đời của mỗi người. Tư tưởng này của Người xuyên suốt mọi giai đoạn hoạt động cách mạng, bản thân Bác là tấm gương mẫu mực về học và tự học, các thế hệ cần phải rèn luyện, noi theo, để xây dựng thành công một xã hội học tập thực chất, hiệu quả cao.
NỘI DUNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
1. Học tập là nhiệm vụ của mọi người, trước hết là mỗi cá nhân
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập là quá trình tiếp thu tri thức, học ở trường, lớp thường xuyên, liên tục. Đó là quá trình học, tự học và học suốt đời của mỗi người với quan điểm nhất quán: “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”(1). Do đó, để tránh tình trạng lạc hậu, mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên thì còn sống còn phải học, Bác nhấn mạnh “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(2). Đồng thời “muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng đắn cùng với phương pháp đúng. Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”(3). Người căn dặn: Mỗi công dân Việt Nam cần “biết ham học… biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”, vì vậy, mỗi người đều “phải biết tự động học tập”, “phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc”, “trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả”(4). Tự học là một trong những yếu tố quyết định tạo nên nhân cách và trí tuệ uyên bác của Người, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”(5), Bác khuyên mọi người: “Lấy tự học làm cốt”, trong các bài nói, bài viết, Bác đều khuyên mọi người phải tự học là chính.
Bác yêu cầu, Đảng và các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội phải có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất cho đảng viên, nhân dân học và tự học suốt đời. Để diệt “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ cho nhân dân, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, điều đó thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền giáo dục nước nhà.
2. Học tập không ngừng để luôn tiến bộ, học để phụng sự Tổ quốc, nhân dân được tốt hơn
“Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”(6), “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”, “Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”, “Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “Học để phụng sự nhân dân, làm đầy tớ của nhân dân”. Như vậy, học tập không chỉ đơn thuần là học cho mình, mà có động lực mạnh mẽ vì mục tiêu lớn hơn – đó là học tốt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng, cho Tổ quốc được tốt hơn.
Việc học, theo Bác có 4 mục tiêu cụ thể: Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng và học để hành, “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới – trước hết là tổ chức nền sản xuất mới. Vì vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”(7). Theo Người, học ở đây, trước hết là tu dưỡng đạo đức cách mạng, có tư tưởng, tư duy đúng đắn; rồi mới đến tri thức để tổ chức cuộc sống của mình, làm chủ xã hội, làm chủ đất nước.
3. Phương pháp học tập gắn liền với thực tiễn công việc
Bác đã chỉ rõ, nội dung của học tập rèn luyện rất đa dạng, trước hết là gốc văn hóa, tư tưởng chính trị cách mạng đúng đắn: “Chúng ta cần học nhiều thứ: học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, nghiệp vụ”. “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”(8).
Bác nhấn mạnh “đặc biệt phải chú trọng học tập kinh nghiệm và tác phong công tác tốt của các đồng chí chuyên gia bạn”, “bất kỳ việc gì có lợi là ta phải học”; “một người phải biết học nhiều người”, “học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến…”.
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở NƯỚC TA
Quán triệt sâu sắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng xã hội học tập, tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất: Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân
Đảng ta xác định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.
Thứ 2: Xây dựng xã hội học tập nhằm nâng chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ
Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã yêu cầu: “Vận động nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống…”(9).
Thứ 3: Xây dựng xã hội học tập nhằm phát huy tối đa nhân tố con người, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước”(10).
Xây dựng xã hội học tập thành công gắn với việc mỗi công dân xác định đúng đắn mục đích tự học suốt đời là để không ngừng tiến bộ. Học để thêm yêu Tổ quốc, yêu Đảng, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Học để tin tưởng vào đường lối chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Học để có khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh.
Xây dựng xã hội học tập thành công gắn với tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy trong việc không ngừng tự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ – đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.
Thạc sĩ Lưu Thị Thương
Giảng viên Khoa Giáo dục Cơ sở – Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương VI, 189 Kinh Dương Vương, Phường 12, Quận 6, TP.HCM
Tài liệu nghiên cứu:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.349
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.333
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.116
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2002, t.10, tr.50-52.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5
(6) Hồ Chí Minh – bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính các cơ quan TW, ngày 9/6/1953
(7) Hồ Chí Minh – bài “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng”, Báo Nhân dân, ngày 14/3/1960
(8) Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tới thăm Đại hội Liên hoan Thanh niên tích cực ngành Đường sắt Việt Nam, ngày 25/7/1956
(9) Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X
(10) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng