SAU BỨC TƯỢNG ĐÀI TRẦN CÔNG MÂN LÀ MỘT BÓNG HỒNG

Phạm Đình Trọng

Báo Quân đội nhân dân (QĐND) có một thế hệ “Vàng”, đó là lớp cán bộ-phóng viên thời chống Pháp, vắt qua chống Mỹ, như các ông Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Trần Thiết v.v… Tôi về báo QĐND muộn, ở số 8 Lý Nam Đế ít ngày rồi vào Tp Hồ Chí Minh, nên chỉ kịp hiểu một số “Lão tướng” như ông Trần Khôi, Khánh Vân, Nguyễn Trần Thiết, Vũ Linh, Trần Công Mân …Điều thú vị là, phía sau các tượng đài “Chiến sĩ – Nhà báo” luôn thấp thoáng hình bóng của người vợ. Một trong những điển hình là tấm gương bà Hồ Thị Xuân Mùi – Phu nhân Thiếu tướng Tổng biên tập Trần Công Mân.

*** 

Năm 2009, gia đình ông Mân tặng tôi cuốn hồi kí “Vẹn cả đôi đường” của bà Hồ Thị Xuân Mùi. Với lời văn chân chất, mộc mạc mà sâu sắc, bà kể về cuộc đời mình từ cô gái làng quê nghèo Hà Tĩnh đến chặng đường dài vất vả gian nan, theo chồng lên chiến khu Việt Bắc rồi về Hà Nội.

Năm 2015, theo yêu cầu của bạn đọc, muốn có một cuốn sách riêng phác họa chân dung Thiếu tướng Tổng biên tập Trần Công Mân, một vị tướng tài năng đức độ, nổi tiếng một thời với vai trò Tổng biên tập báo QĐND. Tôi được giao làm chủ biên cuốn sách này. Để bù vào những khiếm khuyết của bản thân, tôi chọn phương thức “Sách của nhiều tác giả”. Và quả thật, chỉ trong thời gian ngắn tôi đã có trong tay tập bản thảo khá dầy dặn vè ông Mân; với đủ mọi góc nhìn, từ phong cách sống, tác phong chỉ huy-lãnh đạo, ngòi bút sắc sảo, giầu tính chiến đấu, đến lòng yêu nghề, yêu quê hương, tình đồng nghiệp v.v…

Nhưng có một góc nhìn độc đáo và thú vị nhất, xúc động nhất là góc nhìn của “Gia đình và người thân”. Ở đây, ông Mân hiện lên một cách sinh động, đời thường với đầy ắp tình cảm nồng nàn của ngườu chồng, người cha, người ông. Đó là những phút giây ông tạm gác công việc qua một bên, cùng cháu trai chong đèn đọc sách, cùng cháu gái chăm chút con mèo trở dạ, cùng các cô con gái thăm siêu thị bên trời Tây xa xôi… 

Cảm động nhất là những dòng bà Mùi kể về người chồng thân yêu của mình. Ông Mân lấy vợ đúng theo nghĩa cổ điển của từ này: “Mai mối” – (mặc dù lúc đó – 1949 –  ông đã là Chính trị viên tiểu đoàn và bà là cán bộ phụ nữ huyện). “Duyên” là mai mối nhưng “Tình yêu sét đánh” là có thật. Thử thách với đôi bạn trẻ là trận ốm bất chợt của cô gái trong thời điểm chú rể còn có mấy ngày phép giành cho lễ cưới. Từ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, đôi vợ chồng trẻ đã vượt muôn nghìn khó khăn để vun trồng hạnh phúc.

Tòa soạn báo QĐND ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; nhà ông Mân ở số 6 Lý Nam Đế: như vậy, đêm đêm từ nhà ông Mân có thể thấy đèn phòng làm việc của TBT Trần Công Mân. Suốt năm dài, đèn căn phòng TBT ít khi tắt trước “0 giờ”. Ông thức khuya để duyệt bài, để suy nghĩ làm sao tờ QĐND có đủ tầm theo kịp và vượt lên, góp phần định hướng và dẫn dắt dư luận. Đặc biệt là khi tình hình chính trị-xã hội trong nước và thế giới biến động lớn, bạn đọc rất cần “ý kiến” của bản báo trước các sự kiện trọng đại, phức tạp. Những lần như thế, bà Mùi lặng lẽ chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất của chồng, có khi chỉ là li cà phê sữa nóng kèm lời khích lệ, động viên ngọt ngào cũng đủ làm ông phấn chấn. Nhớ lần Liên bang Xô viết và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu ào ào sụp đổ; TBT Trần Công Mân trăn trở với câu hỏi lớn: Chuyện gì đang xảy ra? Và báo QĐND phải làm gì? Những nung nấu trong đầu ông Mân bắt kịp với những tiên liệu, những quyết sách của Trung ương. Từ đó báo QĐND xuất hiện một loạt bài tầm cỡ chiến lược mang tính định hướng.

Ngọn đèn phòng TBT trên tầng ba, ngôi biệt thự số 7 Phan Đình Phùng Hà Nội sáng suốt canh thâu.

Bà Mùi đã quen với tật thức khuya của chồng. Nhiều đêm ông về nằm đó, khoảng nửa tiếng sau rón rén trở dậy ngồi vào bàn. Bà có hỏi. Ông trả lời: “Mới tìm ra ý hay cho một bài xã luận”. Xót chồng, bà cằn nhằn thì ông giải thích: “Làm việc gì cũng phải có say mê. Không say mê thì không có sáng tạo”. Ông nói có lí có tình. Bà đành chịu thua. Cả đời bà Mùi đã làm tròn hai vai gánh nặng. Ý thức về sự chênh lệch kiến thức và vốn sống kinh tế-văn hóa-xã hội của mình và phu quân, bà Mùi vạch cho mình một lộ trình nâng tầm kiến thức. Từ một thôn nữ vốn liếng hạn hẹp, bà bền bỉ học tập để có thể theo học ngành y, trở thành thày thuốc ưu tú, nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua của Bệnh viện quân đội 103. 

Ở góc độ gia đình, bà một tay chèo chống, săn sóc mẹ già, nuôi dạy ba con nên người, học hành thành đạt để chồng yên tâm công tác. Là vợ của một nhà báo, một Tổng biên tập nổi tiếng nhưng trước sau bà Hồ Thị Xuân Mùi vẫn một mực khiêm nhường, đúng mực trước các quan khách cũng như thuộc cấp của chồng; tuyệt đối không bao giờ xen vào chuyện cơ quan. Điều này khiến cho Thiếu tướng TbT Trần Công Mân trở nên vững chãi và mạnh mẽ, dũng cảm hơn trong thực thi nhẹm vụ.

***

Ngay từ khi Thiếu tướng Trần Công Mân còn tại chức, bà Hồ Thị Xuân Mùi đã mơ ước một ngày không xa, ông được nghỉ hưu, sẽ chấm hết mọi công việc xã hội, đặng thoải mái cùng bà đi chơi đó đây, thăm viếng bạn bè, hoặc đơn giản là du sơn ngoạn thủy, vui với cỏ cây, chim muông. Nhưng năm 1989, ông Mân vừa có quyết định nghỉ hưu thì Hội Nhà báo Việt Nam xin về để làm Phó Chủ tịch thường trực Hội. Vậy là ông lại tiếp tục hiến dâng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam cho đến lúc gặp trọng bệnh. Vài tuần sau khi ông vãng sinh, chợt một đêm bà mơ ông về, hỏi sao mỗi sớm mai, bà không cho ông li cà phê. Giật mình tỉnh dậy, nhớ lại, quả thật những ngày qua, bà quên rằng lúc sinh thời, sáng nào ông cũng có li cà phê nâu.

Thiếu tướng, TBT Trần Công Mân tạ thế ngày 25 tháng 3 năm 1998

Bà Hồ Thị Xuân Mùi vừa về cõi Vĩnh Hằng ngày 23 tháng 2 năm 2024.

Tính ra, ông bà đã xa nhau 26 năm tròn!

Chắc là giờ đây ông bà đang tay trong tay, thảnh thơi dạo bước bên sông Nại Hà, hưởng trọn niềm vui đoàn tụ./.

Trung tá TRẦN CÔNG MÂN và trung sĩ HỒ THỊ XUÂN MÙI – 1958
Bà HỒ THỊ XUÂN MÙI và Phu quân tại Huế – 1980
Bà HỒ THỊ XUÂN MÙI và ba người con gái – 2021

Tp HCM ngày 25-2-2024

PĐT