MỘT NÉN TÂM NHANG VIẾNG TƯỚNG QUÂN

Đại tá Trần Thế Tuyển (Nguyên phóng viên báo Quân khu 7) 

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn 5( 23/11), tôi có dịp cùng Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 do Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên chính uỷ Sư đoàn 5 đến thăm Thiếu tướng Võ minh Như.

Ở tuổi U100, Thiếu tương  Võ Minh Như ( chín Hiền ) không còn khoẻ như trước, nhưng trong ánh mắt của ông vẫn toát ra sự dịu dàng, trìu mến.

Đó là câu chuyện của hai năm về trước. Còn nay, ông đã về với tổ tiên như bao cựu chiến binh, tướng lĩnh suốt đời cống hiến, hy sinh cho mảnh đất “Miền Đông gian nan mà anh dũng “ một thời này.

MỘT 

Tôi không bao giờ quên những năm tháng khốc liệt, cam go ấy. Đó là những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20 khi Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 7 tách ra thành hai Bộ Tư lệnh mặt trận: Bộ Tư lệnh 779 và Bộ Tư lệnh 479.

Là phóng viên chiến trường, một ngày cuối năm 1980, từ Bộ Tư lệnh 779, tôi xuống Trung đoàn 55 do anh Đoàn Văn Tính làm Trung đoàn trưởng đóng quân tại phum Sà Môn ( tỉnh Koong Pông Chàm). Sáng sớm chiếc xe jep mui trần đỗ trước cửa nhà tạm trú của phòng tuyên huấn mặt trận. Chú lái xe trẻ, đội mũ sắt kiểu bộ đội pháo binh nói với tôi: “ Em đến đưa anh xuống Trung đoàn 55”. Tôi ngỡ ngàng khi thấy hai chiến sĩ trẻ trang bị vũ khí đầy đủ đứng cạnh xe. Giọng anh lái xe: “ Đây là hai chiến sĩ vệ binh được Bộ Tư lệnh mặt trận cử đi bảo vệ anh “.

Tôi bước lên xe ngồi giữa hai chiến sĩ vệ binh mà không sao cầm được nước mắt. Ngày ấy, tàn quân Pôn Pốt vẫn lén lút hoạt động. Thủ đoạn của chúng là gài mìn hoặc bất thần phục kích dùng B40 xả đạn vào xe cơ giới vận chuyển bộ đội ta. Tôi biết chỉ lệnh này của Bộ Tư lệnh, trong đó có “ anh Chín Như “ mà tôi hằng kính trọng.

Hết đợt công tác, suôn sẻ trở về, tôi lên gặp tướng Đặng Kim Long ( Tám Quang ) và Võ Minh Như ( Chín Hiền ) để báo cáo và cảm ơn. Gặp tôi, ông chín Hiền vỗ về như đón đứa con đi xa trở về:

An toàn thế là tốt rồi. Phải bảo vệ nhà báo chứ.

Sau này, khi ông Chín về làm Phó Tư lệnh Quân khu 7, tôi có vài lần trực tiếp làm việc với ông. Tôi viết ký về tình nghĩa đồng đội và ông Chín là nhân vật trung tâm của chuyên mục này.

Một ngày nọ, tôi gặp một chàng trai chưa đầy hai mươi tuổi trong phòng làm việc của ông. Tướng Chín Hiền giới thiệu, đó là con trai của ông. Người con trai đó chính là Thượng tướng Võ Minh Lương, nguyên Tư lệnh Quân khu 7; UVBCH TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay.

HAI

Trên đường từ nhà riêng Thiếu tướng Võ Minh Như trở về hôm ấy, tôi thấy khuôn mặt của Trung tướng Lưu Phước Lượng trầm tư. Hình như ông có điều gì trắc ẩn. Hỏi mãi, Trung tướng Lưu Phước Lượng giãi bày:

Thấy “ Cụ “ nằm bất động mà đôi mắt vẫn sáng, đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì, mình bỗng nhớ đến ông già mình ( cụ Tư Bình, nguyên Chính uỷ Cục Hậu cần Quân khu 7). Mình thương các cụ quá. Cả đời hy sinh cho đất nước; đã từng dọc ngang chinh chiến. Rồi cũng đến ngày về với tổ tiên.

Điều ấn tượng nhất về tướng Minh Như là gì ?

Mình có dịp sống và công tác cùng Cụ. Đó là vị tướng mẫu mực, tận trung với nước, với dân. Điều ấn tượng nhất về tướng Chín Hiền là tình thương yêu đồng đội; tính kỷ luật cao.

Nghe Trung tướng Lưu Phước Lượng nói thế, tôi bỗng nhớ đến đợt công tác tại mặt trận 779 cách đây hơn 40 năm. Vì tình thương người lính, tướng Chín Như cũng như các thủ trưởng của tôi trong Bộ Tư lệnh mặt trận ngày ấy đã cử hai vệ binh bảo vệ tôi- một trung uý phóng viên mặt trận.

Viết bài “khóc “ vị tướng trận về với tổ tiên, nghĩ đến chi tiết này, tôi không sao cầm được nước mắt. “  Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”( Trần Quốc Tuấn ). Cầu mong hương hồn tướng quân siêu thoát nơi chín suối ./.

TTT