Đọc “Nhật ký cô giáo-Học kỳ Tết”

“Nhật ký cô giáo-Học kỳ Tết” là tập tiếp theo trong bộ Nhật ký cô giáo của tác giả Hồ Yên Thục sau 3 cuốn đã ra mắt độc giả: “Nhật ký cô giáo – Học kỳ xuân” – Nxb Văn hóa-Văn nghệ, 2019; “Nhật ký cô giáo – Học kỳ hè” – Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021;  “Nhật ký cô giáo – Học kỳ thu” – Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2022.

Ngay mở đầu cuốn sách, tác giả đã lý giải tên của tập sách dễ gây thắc mắc: Học kỳ Tết: “mình muốn chúc các bạn đi dạy và đi học luôn vui như Tết nha”. Làm một công việc mà cuốn hút, vui vẻ, tràn đầy năng lượng thì còn gì bằng – Một cách giải thích thật thú vị.

Cuốn sách gần 200 trang, dày dặn hơn hẳn cuốn kế trước, được chia thành 8 phần với tiêu đề “ May mắn”, “Hỏi đáp vui”, “Facebook”, “Chương trình và sự kiện”, “Nhân vật cổ tích”, “ Tuyển dụng”, “How to pass”, “Dẫn lối”. Ngoài những mẩu chuyện với độ dài quen thuộc vài trăm chữ bằng lối viết dí dỏm thông minh trong những tương tác với sinh viên, đồng nghiệp, nơi cô giáo có những trải nghiệm mới, trong cuốn này tác giả có những câu chuyện dài tới mấy ngàn chữ về những chủ đề như tổ chức các hội thảo, sự kiện, tập trung trong phần “Chương trình và sự kiện”. Quá trình từ những ý tưởng khởi đầu cho tới việc set up các chương trình online, offline từ vài chục người tới vài trăm người; một lớp, rồi kết hợp hai, ba lớp cùng làm, đều đặn diễn ra hàng tuần, hàng tháng, hàng năm… cần sự nỗ lực, hết mình của mỗi cá nhân trong hàng trăm con người tham gia của cả cô trò như “Tuần lễ Triết học”, “Sách đọc tôi”, “Hồ Sen chờ ai”, “Human Library”, “Xalala”…mới thấy họ đã say sưa, tâm huyết thế nào.

Cuốn “ Nhật ký cô giáo-Học kỳ Tết” còn được đầu tư thêm phần hình ảnh minh họa các sự kiện giúp người đọc có hình dung rõ nét, chân thật hơn về một “học quán” với cảnh quan đẹp như mơ, ở đó có các “sư huynh”, “sư tỷ”, “sư muội” say nghề, các “đồ đệ” (theo ngôn ngữ của tác giả) bắt buộc phải nghiêm túc, chăm chỉ nếu muốn cầm được mảnh bằng tốt nghiệp dù đúng hay trễ hạn. Theo cô giáo “Học quán này không chỉ có thầy có trò, có người đi học, người đi làm, người gửi xe và người khóa cổng. Học quán còn có nhân viên mẫn cán, nhà giáo ưu tú, chủ công ty du lịch chỉ dạy một lớp ca đầu buổi sáng, họa sĩ chăm đàn hát, chuyên gia quảng cáo dạy đàn bầu, trưởng đoàn tiếp viên dạy kỹ năng mềm, và nhiều anh tài thực học. Phấp phới cùng nắng và cùng gió, trong không gian màu nhiệm này, phép màu bùm qua chéo lại, học quán lung linh như một bộ phim vừa hoạt hình vừa cổ tích”.

Từ những tự sự thường nhật, nhiều khi tưởng như vụn vặt, rời rạc, tác giả ý tứ nói đến cái lý do nghề nghiệp, những nỗ lực và hệ lụy của người thầy trong quá trình giảng dạy.  Các câu chuyện mở ra cho người đọc một cách nhìn thấu đáo hơn về môi trường giáo dục hiện đại, với mục tiêu đầy nhân văn là các học viên sau này sẽ trở thành công dân toàn cầu ưu tú, có thể sống hạnh phúc ở khắp nơi trên trái đất.

Thông điệp của tác giả từ cuốn sách này theo cảm nhận của người đọc là giáo dục sau phổ thông đương đại đang hướng tới giải quyết vấn đề làm thế nào để người học tự khám phá bản thân, biết mình muốn gì và một trong những cách thức đạt được điều đó là người dạy nên học cùng người học.

                                                                             MINH HUỆ